Tôi năm nay 50 tuổi, vốn là một người thành đạt, có hai căn nhà ở TP HCM và bốn miếng đất nằm rải rác ở quận 9 và Bình Dương ở tuổi 38. Thế nhưng, chỉ trong nửa năm tính toán sai khi chơi vàng tài khoản và chứng khoán, tôi đã mất tất cả, thậm chí còn phải gánh thêm nợ. Trong gần 10 năm sau đó, tôi bị trầm cảm đến mức như điên loạn, không thiết làm gì và trở thành gánh nặng, cũng như nỗi sợ hãi của vợ con và cả gia đình.
Sau khi gia đình tan vỡ, tôi bắt đầu áp dụng các liệu pháp chữa trị tinh thần và dần bình tâm trở lại. Tôi quyết làm lại từ hai bàn tay trắng. Tôi làm affiliate (tiếp thị liên kết) và freelance (làm việc tự do). Lý do là bởi sau khi thất bại, tôi xấu hổ nên không dám ra ngoài gặp ai. Cuối cùng, tôi nghĩ rằng mình chỉ có thể làm online là tốt nhất. Cũng may, nhờ bắt được một trend (xu hướng) rất nhỏ nhưng bền vững và ít cạnh tranh nên tôi có thể theo được đến giờ.
>> 5 năm đi làm lương 10 triệu đồng, tôi du học Pháp
Sau gần ba năm, tôi đã trả hết nợ và có dư vài trăm triệu đồng làm vốn. Nhờ quyết tâm mà trong hai năm dịch Covid-19 bùng phát, tôi vẫn có thu nhập tốt, gánh được chi tiêu của vợ con và một phần cho gia đình vợ (vì cả gia đình vợ không có thu nhập mùa dịch).
Tôi đã làm lại được từ hai bàn tay trắng, chính xác là từ số âm vì khoản nợ lớn khi chơi sàn vàng, như vậy đó. Khi hết dịch, tôi tin chắc, công việc của mình sẽ còn thuận lợi và phát triển hơn nữa. Chỉ có một điều tôi hối tiếc duy nhất, đó là tôi đã không giữ được gia đình nhỏ của mình.
Rõ ràng, sự thất bại không phải là chấm hết, nó có thể sẽ giúp các bạn nhận thức được mình đang thiếu thứ gì, chưa cố gắng hết sức ở đâu? Sau mỗi lần thất bại đó, nếu biết phấn đấu, cải thiện bản thân, xác định lại cho mình một hướng đi đúng đắn thì bạn sẽ tạo cho mình được những cơ hội mới. Đôi khi con đường trước đó không phải là sự lựa chọn phù hợp nhất, thay đổi nhận thức sẽ giúp bạn định hướng được tương lai tốt nhất cho bản thân.
Thực tế, sự thất bại sẽ là động lực lớn giúp các bạn có thể biết được giá trị của lao động như thế nào? Sự thất bại sẽ thôi thúc bạn cố gắng hơn nữa để đạt được kết quả tốt hơn, biết quý trọng hơn sức lao động mà mình đã bỏ ra.
Không phải ai sinh ra cũng ở vạch đích. Để đạt được thành quả, có được vị trí cao trong xã hội, không ít người đã phải vật lộn với cuộc sống suốt nhiều năm. Họ là những người đã vấp ngã, thậm chí tưởng như không thể vực dậy nổi. Thế nhưng, đối diện với thất bại, họ biết phấn đấu, luôn kiên trì và không bỏ cuộc. Điều này chính là một trong những nguồn động lực vô cùng lớn, là đòn bẩy để chạm đến thành công.
Trên thế giới hiện nay, có không ít những nhà tỷ phú nổi tiếng với thành công vang dội. Tuy nhiên, để có được vị trí như ngày hôm nay, họ cũng từng phải trải qua những ngày gian khổ, khó khăn hay thậm chí là thất bại. Tất nhiên, điều đó không phải là để khuyến khích bạn hãy thất bại thì mới đạt thành công. Nhưng nếu không may mắn gặp phải thất bại, bạn hãy luôn suy nghĩ tích cực, lấy đó làm động lực, làm bài học, tích lũy kinh nghiệm để thành công ở những lần tiếp theo.
Tục ngữ đã có câu "thất bại là mẹ thành công", liệu rằng điều này có đúng hay không? Thực tế, điều này sẽ chỉ đúng với những người đã trưởng thành, tự biết đúc kết những bài học, kinh nghiệm sau thất bại để cố gắng làm lại và đạt được thành công. Ngược lại, với những ai cứ chìm đắm trong khó khăn, vấp ngã, luôn bi quan, tiêu cực thì chắc chắn thất bại sẽ đeo bám mãi.
Đứng trước những vấp ngã trong cuộc đời, các bạn hãy thật bình tĩnh, cho mình một khoảng thời gian để đánh giá lại và đưa ra phương án hành động phù hợp nhất. Không có thành công nào là không trải qua sự khó khăn, vấp ngã. Cũng không có sự thất bại nào là mãi mãi nếu chúng ta biết cách vượt qua.
Hà
>> Bạn đã vượt qua khó khăn để định hướng, thay đổi cuộc đời như thế nào?Gửi bài tại đây.