"Tôi năm nay 32 tuổi. Khởi nghiệp từ năm 28 tuổi, mua nhà lúc 30 tuổi. Trước đó, tôi chỉ ở nhà thuê và mua bất động sản để đầu tư. Tôi mua xe năm 32 tuổi và hiện tại tổng tài sản (chưa tính doanh nghiệp) vào khoảng 70 tỷ đồng. Tôi cũng không nhờ vả bố mẹ vì họ ở tỉnh xa chứ không ở Sài Gòn, hai vợ chồng tự nuôi con cái. Nhưng giờ nhìn lại, thú thực tôi vẫn thấy mình quá may mắn, giống như trúng số vậy.
Tôi may mắn lớn lên trong một gia đình từ thời cụ cố đã rèn luyện cho con cháu tính cách đùm bọc, chịu thương chịu khó, trân trọng các giá trị thực. Ai muốn làm việc gì, dù là giáo viên, kỹ sư, hay kinh doanh... cũng đều phải làm cho thật chỉn chu, đâu ra đó. Nhờ thế mà từ thời bố mẹ tôi đến các anh chị em họ đều rất yêu thương hỗ trợ nhau. Bản thân tôi cũng rất may mắn khi tìm được một người chồng bên cạnh rất chịu thương chịu khó, nhưng cũng chia sẻ các giá trị với gia đình mình.
Nhưng tôi nghĩ mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau và không phải ai cũng may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống tốt đẹp như vậy. Đôi lúc, có những bạn sinh ra ở một vùng quê nghèo, bố mẹ không có điều kiện, lại đông anh chị em. Họ sa cơ lỡ vận, từ nhỏ đã phải vừa học, vừa làm để phụ giúp gia đình... Các bạn đó phải cố gắng gấp nhiều lần mới vươn lên được để tồn tại trong xã hội chứ đừng nói đến làm giàu.
Ở các nước phát triển, trợ cấp xã hội rất lớn, dù 18 tuổi đã ra ngoài tự lập, nhưng người trẻ chỉ cần có một công việc part-time 16 tiếng là đủ tiền ăn và tiền thuê nhà. Trong khi đó, ở Việt Nam, tôi thấy các bạn trẻ phải làm việc full-time cũng chưa chắc đã đủ tiền thuê nhà. Rõ ràng, chính sách phúc lợi và giá trị bằng cấp của nước ngoài cũng rất khác với Việt Nam. Vậy nên, tôi thấy các bạn trẻ ở ta quá khó để nghĩ đến chuyện 18 tuổi tự vay tiền làm ăn, mua nhà, tự trả nợ".
Đó là chia sẻ của độc giả By Tran xung quanh câu chuyện "30 tuổi tự mua nhà". Khi nhắc đến sự giàu có, nhiều người coi đó là một niềm mơ ước. Đặc biệt là đối với những thanh niên trẻ với nhiều hoài bão. Như một điều hiển nhiên, những ước mơ thường đẹp và không dễ dàng để thực hiện. Vì lẽ đó, "còn trẻ làm gì để kiếm tiền?" luôn trở thành nỗi trăn trở của nhiều thế hệ thanh niên Việt.
>> Tăng 20 lần thu nhập để mua nhà Sài Gòn
Đồng cảm với những khó khăn trên hành trình làm giàu tự thân của người Việt trẻ, bạn đọc Pham Thanh Tam nhấn mạnh: "Cuộc sống những năm 2000 và 2021 hoàn toàn khác nhau. Ngày xưa, bạn chỉ cần có công ăn việc làm là có của ăn của để, không phải cạnh tranh quá nhiều, đất đai cũng không đắt đỏ. Ví dụ, bạn mở một quán ăn vào năm 2000, khi mà con người chưa đặt nặng vấn đề vệ sinh thực phẩm, thành phần, cũng như mức độ dinh dưỡng của món ăn và trên hết là không phải cạnh tranh với hàng ngàn các cửa hàng đồ ăn nhanh, món Hàn, món Nhật như hiện nay, nên nếu làm tốt việc của mình, bạn hoàn toàn có thể trở nên giàu có.
Trong khi đó, thanh niên ngày nay phải vật lộn ngoài xã hội, tìm cách để không bị thay thế bởi những người trẻ và có năng lực hơn; bằng cấp cũng được chú trọng và ưu tiên hơn; tiếng Anh là một điều bắt buộc nếu bạn muốn làm việc tại các thành phố lớn; trên đất nước hầu như đã có tất cả các loại hình kinh doanh và gần đạt mức bảo hòa. Vì lẽ đó, một cá nhân phải có sáng kiến rất táo bạo nếu không muốn phải cạnh tranh với hàng ngàn cá nhân khác.
Bên cạnh đó, giá cả đất đai thì lên cao tới mức, người trẻ có làm suốt đời cũng không bao giờ mua nhà được nếu không có bố mẹ giàu có. Sinh và nuôi con ngày xưa cũng không tốn kém như ngày nay. Nếu không muốn con mình thua kém bạn bè, cha mẹ cũng phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để chúng đi học thêm, học phụ đạo, ngoại ngữ, mua sắm quần áo, giày dép, dụng cụ học tập... Và còn rất nhiều những khía cạnh khác mà tôi không thể kể ra hết. Nói tóm lại, nếu chỉ có chăm chỉ và học hành, thì vẫn là chưa đủ để bạn có thể sống tốt".
>> Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.