Đọc bài viết "Tôi chẳng có năng khiếu gì nên tương lai mù mịt" của tác giả Dung, tôi cũng xin có vài điều chia sẻ về câu chuyện cuộc đời mình:
Tôi năm nay 31 tuổi, sống xa quê từ năm 18 tuổi đến nay. Thời nhỏ, nhà nghèo, tôi phải phụ mẹ bán hoa, bán chuối vào những lúc không đi học. Cũng vì sợ không có tiền đóng học phí nên tôi chỉ học cao đẳng mà không dám theo đại học ở Sài Gòn. Sau khi ra trường, tôi phải đi làm trái ngành với mức lương khởi điểm vỏn vẹn 2,5 triệu đồng.
Ngành của tôi có đặc thù cần ngoại hình, trong khi tôi lại vừa gầy, vừa quê. Cơ cực như thế nhưng đến giờ, khi đã hơn 30 tuổi, tôi cũng mua được đất dù vẫn còn nợ ngân hàng, có thể báo hiếu được một chút cho mẹ để sang sửa nhà cửa, có một khoản làm quỹ phòng thân. Đến tận bây giờ, tôi vẫn sợ nghèo, ám ảnh cảnh mua một hộp cơm 15 nghìn chia ra làm hai bữa để ăn mà có sức học và làm thêm. Cũng một phần vì vậy mà đến giờ tôi vẫn chọn cuộc sống độc thân, không muốn có con cái. Tôi cứ thấy tiết kiệm không bao giờ là đủ nhưng đôi khi lại chi tiêu phóng tay - kiểu như để bù đắp cho cái thời cơ cực.
Lúc mới ra trường, do gầy, cao 1,6m nhưng nặng có 45kg, hơi gù và quê mùa nên tôi không thể làm đúng chuyên ngành được. Vậy nên, tôi xin sang làm thu ngân, bán hàng cho một nhà sách. Thời ấy, cứ mỗi một lỗi dán sai tem hay để đồ sai vị trí là tôi trừ 20-30 nghìn đồng. Lương của tôi khi đó chỉ có 2,7 triệu đồng (kể cả phụ cấp), nếu đạt thành tích ba tháng không bị trừ phạt, sẽ được tăng thêm 200 nghìn mỗi tháng.
Thế mà suốt một năm trời, tôi không được một lần lên lương. Bởi chỉ khi bạn không làm gì cả thì mới không có sai sót, bạn làm càng nhiều càng sai nhiều. Nhưng điều đó sẽ giúp bạn rút kinh nghiệm và tìm cách khắc phục. Quan trọng là bạn dám nhận trách nhiệm. Nếu tôi cũng như các đồng nghiệp khác, sợ việc, đổ lỗi khi có lỗi phát sinh... thì tôi có lẽ sẽ mãi không học được gì, và sẽ mãi ở trong nhà sách cả đời.
>> 40 năm tìm cách thoát nghèo
Sau vài tháng, tôi thuộc hết các hạng mục vật liệu trong nhà sách, tập quan sát, cách sắp xếp, phân loại, biết được cái hay, cái dở của từng món để tư vấn cho khách. Từ đó, tự nhiên khả năng giao tiếp của tôi đi lên. Sau đó, tôi rời nhà sách đi học làm sale bất động sản. Suốt gần bảy năm sau đó, tôi vẫn sống tốt bằng nghề này, thậm chí còn có tiền mua đất, dù vẫn nợ ngân hàng. Tổ chức trọng dụng, muốn giữ chân tôi nên họ trả lương đầy đủ dù tình hình dịch bệnh hiện không kinh doanh được.
Tóm lại, điều tôi muốn nói ở đây là các bạn hãy thử thật nhiều, dù có sai lầm, bị chỉ trích, bị người ta coi thường thì trên hết bạn cũng không được phép coi thường chính mình hay bỏ cuộc. Bạn nhận lỗi là để khắc phục nó chứ không phải đặt vết bẩn xấu xí đó trong đầu rồi trách móc bản thân về quá khứ. Làm nhiều sai nhiều, không làm không sai? Bạn chọn cách nào?
Đúng là sự trì trệ bắt nguồn từ sự bao biện. Thật khó để thay đổi một thói quen xấu, kết thúc một mối quan hệ độc hại, hay bỏ những cảm xúc tiêu cực... Nhưng khó không phải là không làm được, chỉ cần bạn có niềm tin rằng mình sẽ không thể sống trong tình trạng này mãi, rồi bánh răng cuộc sống sẽ từ từ chuyển động và kéo bạn đi lên.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.