Đọc bài viết "Trắng tay tuổi 30", tôi lại thấy bóng hình của chính mình trong đó. Nhân đây, tôi xin chia sẻ đôi chút về câu chuyện cuộc đời mình, hy vọng gửi đến các độc giả VnExpress đôi chút thông điệp hữu ích từ kinh nghiệm của bản thân:
Tài sản duy nhất của tôi đến lúc này là căn nhà cấp bốn, diện tích 35 m2, không giấy tờ, được mua bằng tiền vay mượn họ hàng. 45 tuổi, tôi không có ôtô, không tài khoản tiết kiệm, không một tài sản có giá trị nào ngoài hai chiếc xe gắn máy cà tàng mà vợ chồng dùng để đi làm mỗi ngày. Cuộc sống của tôi gói gọn trong hai từ 'giá như'.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo vùng Bắc Trung Bộ với nắng và gió ở thập niên 70 của thế kỷ trước. Gia đình nghèo nên tôi ý thức được tầm qua trọng của việc học hành. Khi thi vào đại học, bạn bè đồng trang lứa của tôi đều chọn các trường lớn ở thành phố, còn riêng tôi lại chọn một ngôi trường cao đẳng kinh tế nhỏ tại quê nhà để theo học. Trong suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ, nhà nghèo lại đi học xa thì tiền đâu mà học, rồi ai sẽ phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng ở quê đây?
Và rồi ba năm học cao đẳng của tôi cũng hoàn thành. Và đó cũng là lúc đứa em kế của tôi lại thi đậu vào đại học trên Hà Nội. Tôi khăn gói lên đường Nam tiến vào Sài Gòn, nơi mà người dân ở quê tôi vẫn kháo nhau là "miền đất hứa", để tìm việc làm. Cầm trong tay tấm bằng cao đẳng kinh tế tại trường tỉnh lẻ, cộng thêm vài cái chứng chỉ tin học, ngoại ngữ ở thập niên 90, tôi cũng sớm tìm cho mình được một công việc tại một công ty xuất nhập khẩu với mức lương cơ bản tạm đủ để trang trải cuộc sống và có có dư chút ít để gửi cho em trai ăn học đại học ở Hà Nội.
>> Giấc mộng 30 tuổi mua được nhà
Mọi chuyện cứ thế đều đều trôi đi, tôi trải qua bốn năm ròng rã làm việc để nuôi em ăn học đại học thay cho ba mẹ. Khi em tốt nghiệp ra trường cũng là lúc tôi tháo được phần nào áp lực đồng tiền. Trước đó, tôi đã quá quen với cảnh thiếu trước hụt sau do thu nhập của mình không quá cao. Tôi giao lại trách nhiệm gửi tiền về chăm sóc bố mẹ cho em trai, khi nó ra trường và tìm được một công việc có thu nhập khá.
Tôi xin nghỉ việc tại công ty cũ (vì quỹ thời gian tại công ty không cho phép tôi đi học thêm đại học) và xin vào một công ty khác. Tại đây, mức lương thậm chí còn thấp hơn cả ở công ty cũ, nhưng nhìn hoạt động của công ty tôi thấy có nhiều triển vọng để phát triển bản thân và mai sau, đặc biệt là tôi có được quỹ thời gian để học lên đại học và học thêm các chứng chỉ kỹ năng mềm khác (quản trị nguồn nhân lực, quản trị văn phòng, tiếng Anh, thiết kế đồ họa...).
Thấm thoắt 5 năm nữa lại trôi qua, tôi đã hoàn thành sứ mệnh "học, học nữa, học mãi" của mình. Có bằng cấp, có kỹ năng, có kinh nghiệm làm việc tại các dự án đầu tư, nên công việc của tôi tại công ty mới cũng khá suôn sẻ. Dù mức thu nhập của tôi so với mặt bằng chung cũng không là bao, nhưng tại đây có môi trường làm việc thoải mái, thời gian linh hoạt. Thêm vào đó, động lực để tôi tiếp tục gắn bó ở công ty là vì họ hứa cứ mỗi dự án hoàn thành thì tôi sẽ có một phần thưởng xứng đáng.
>> Hơn 10 năm làm việc cật lực vẫn không thoát nghèo
Thời gian trôi qua, tôi cũng lập gia đình, nhờ tiền mừng cưới và vay mượn thêm họ hàng, tôi mua cho tổ ấm của mình một căn nhà cấp bốn ở vùng ven để có chỗ chui ra chui vào. Vợ tôi là giáo viên bộ môn xã hội nên thu nhập không cao, cũng chỉ đủ cho chi tiêu cá nhân và phụ một phần chi tiêu trong gia đình. Trong khi đó, thu nhập của tôi cũng đủ trang trải cho cuộc sống và nuôi con.
Vì quá tin tưởng vào công ty mà tôi dành tất cả tâm huyết của mình cho công việc. Dự án thứ nhất hoàn thành nhưng lời hứa của công ty chìm vào im lặng. Rồi đến dự án thứ hai, thứ ba..., công ty thu về lợi nhuận cho mỗi dự án lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng những lời hứa ngày ấy với tôi vẫn chỉ là sự im lặng. Lợi nhuận cao nhưng các ngày lễ, Tết, công ty cũng chỉ thưởng cho có lệ. Vì vậy, mà thu nhập của tôi bao năm qua chỉ đủ dư chút ít để gửi về cho cha mẹ và lo chi phí cho vợ chồng, con cái tàu xe về quê thăm gia đình hai bên nội ngoại mà thôi.
Đến nay, đã 15 năm trôi qua kể từ ngày tôi vào làm việc tại công ty. Cuộc sống của tôi vẫn ổn, nói "nghèo khổ, thiếu thốn" thì không, nhưng có của dư của để cũng vẫn chỉ là ước mơ. Lẽ ra, với những gì đã cống hiến trong hơn 15 năm qua, để công ty phát triển như ngày hôm nay thì tôi xứng đáng được nhận nhiều hơn thế. Giờ đây, khi đã có tuổi, khi con cái cũng đang tuổi ăn, tuổi học, hoàn cảnh không cho phép tôi liều lĩnh nhảy việc nữa. Mỗi ngày, tôi chỉ tâm niệm cố gắng bám trụ tại mảnh đất này, với mức lương đều đều hàng tháng. Hai chữ "giá như" dưỡng như đã quá muộn màng.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.