Tôi có một nhóm bạn khoảng 10 người chơi từ thời đại học. Học xong, ra trường, mỗi đứa một nơi nên chúng tôi ít có dịp gặp mặt, đa phần chỉ giữ liên lạc qua điện thoại, Facebook. Chúng tôi có một nhóm chat riêng và thường xuyên cập nhật tin tức cũng như nói chuyện với nhau. Từ lúc ra trường đến nay cũng ngót nghét chục năm, nhóm bạn tôi đều đã có việc làm ổn định, thu nhập đứa nhiều, đứa ít, đứa đã lên chức trưởng phòng, lương nghìn đôla, đứa vẫn làng nhàng làm anh nhân viên quèn, lương ba cọc ba đồng.
Trong những cuộc trò chuyện của cả nhóm, tôi nhận ra một điều lặp đi lặp lại, đó là nhóm bạn lương thấp thường kêu ca, than thở rất nhiều về công việc, cuộc sống, nào là công ty thiếu chuyên nghiệp, sếp bóc lột, đối xử bất công, công việc áp lực nhưng trả lương không xứng đáng với công sức bỏ ra... Ngược lại, nhóm thành đạt hơn ít khi suy nghĩ tiêu cực, họ thường động viên khích lệ bạn bè, họ cũng ít khi lên tiếng, bởi tôi biết thời gian rảnh của họ chẳng có nhiều cho những cuộc tám chuyện than thân, trách phận kiểu vậy.
Thật ra, bản chất con người vốn lười biếng, thích theo đuổi sự an nhàn và trốn tránh nỗi đau, chúng ta luôn ghen tị với thành tích và địa vị của người hơn mình, rồi than phiền về sự bất công của cuộc đời, nhưng bản thân lại chỉ muốn chọn việc dễ dàng và không chịu làm việc chăm chỉ.
Nhiều bạn trẻ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường vẫn luôn mơ mộng về một ngày sẽ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, lương cao, công việc nhẹ nhàng, sếp dễ tính, đồng nghiệp thân thiện... Họ cũng có chút ảo tưởng về năng lực thực sự cũng như bằng cấp của mình. Nhưng thực tế không dễ dàng như vậy. Người ta thống kê rằng có hơn 300.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp sau khi ra trường. Con số ấy ngày nay vẫn tiếp tục tăng cao. Và rồi khi thực tế phũ phàng ập đến, những bạn trẻ ấy quay sang đổ lỗi, than phiền, và rồi sớm bỏ cuộc.
Khi mà có tới 90% doanh nghiệp khởi nghiệp "chết yểu" ngay sau một năm đầu thì thực tế chẳng có công việc nào là đơn giản cả. Nếu bạn cứ làm việc theo kiểu cho có, làm hời hợt, thì ra trường vài năm, bạn vẫn cứ loanh quanh, luẩn quẩn ở mức lương ba cọc ba đồng, sự nghiệp thì chưa có, kinh nghiệm cũng không, kỹ năng thì hổng chỗ nọ, hụt chỗ kia... Tóm lại, bạn cứ dậm chân tại chỗ, chẳng có gì hơn so với thời mới tốt nghiệp.
Và rồi, khi bước qua tuổi 30, bạn rất dễ mắc vào tình trạng "khủng hoảng tuổi trung niên", đánh mất niềm tin vào bản thân. Bạn không còn tin mình có thể thành công để rồi buông xuôi tất cả. Cuộc sống với bạn sẽ chỉ loanh quanh với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, tháng nào cũng đau đầu vì đống hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền nhà, tiền học phí cho con... trong khi sự nghiệp không hề tiến triển.
>> Vợ chồng 40 tuổi nghỉ hưu với tài sản một triệu đôla
"Tỷ phú thời gian" là câu nói cửa miệng của những người mới đi làm. Nhưng thực sự mọi chuyện không đơn giản như vậy. Khi ra trường, cùng một lúc đủ mọi áp lực ập đến, từ công việc, gia đình, đến môi trường sống mới... nếu không tận dụng vài năm sinh viên ngắn ngủi để tích lũy, chuẩn bị cho nhưng thứ phải đối mặt, bạn sẽ nhanh chóng bị ngợp và mất phương hướng.
Tôi thấy buồn khi nhiều bạn nhân viên mới chẳng khác nào những "con sâu", tối ngày "cày" phim, "cày" game, "cày" Facebook, Tiktok...; sáng cắp cặp đi, chiều xách cặp về, tối làm chuyên gia nhậu nhẹt tăng này, tăng kia. Nhiều bạn trẻ cũng lao đầu vào những chuyến phượt từ Nam ra Bắc, nay phượt cung này, mai lại cung kia.
Tất nhiên, trải nghiệm cuộc sống thực tế là điều tốt, nhưng bạn phải biết cân bằng, phải dành cả thời gian cho việc thêm chuyên ngành, học ngoại ngữ, phát triển kỹ năng bản thân, rèn luyện thể chất... Chứ dăm ba cái kinh nghiệm đi phượt không thể đem đến cho bạn một công việc tốt, lương cao sau này.
Có một xu hướng mà tôi thấy nhiều bạn trẻ đang mắc phải, đó là luôn bắt đầu công việc một cách hững hờ, làm được một thời gian, thấy chán, và nhảy việc. Sang công ty khác, họ được cái này, nhưng lại mất cái kia, rồi lại gặp rắc rối, nảy sinh mâu thuẫn, và tiếp tục nhảy việc. Cứ như vậy, họ mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn vô tận: xin việc - nghỉ việc - nhảy việc...
Để rồi sau tất cả, nhìn trong CV của họ có vẻ rất hoành tráng với kinh nghiệm làm chỗ nọ, chỗ kia, trong thời gian ngắn mà làm tới mấy công ty liền... Nhưng họ không biết rằng, cứ nhảy việc liên tục như vậy thì lấy đâu ra kinh nghiệm và năng lực thực tiễn, làm gì có nhà tuyển dụng nào muốn nhận muôn người trong hai năm ra trường mà làm tới nửa tá công ty khác nhau?
Ngược lại, cũng có nhiều người làm việc 25-30 năm trong nghề, nhưng không tạo ra sự đột phá. Lý do là bởi họ làm đi làm lại một việc nhưng không chịu cập nhật, nâng cấp, cải tiến, tích lũy bổ sung kinh nghiệm cho mình. Họ cứ làm việc ở mức độ trung bình, không quá kém nhưng cũng chẳng có gì nổi bật, mọi thứ chỉ dùng ở mức ổn, lâu dần khiến họ chìm dần vào đám đông.
Thế nên, đừng chọn an nhàn khi vẫn còn đang ở độ tuổi thanh xuân sung sức nhất. Không muốn khổ cả đời thì bạn phải khổ khi còn trẻ, không ngừng cố gắng, không ngại gian khổ, để tuổi trung niên nhận lại trái ngọt.
Có một câu nói rằng "nếu ở độ tuổi 20 mà bạn không làm việc chăm chỉ, thì ở độ tuổi 30, bạn sẽ trở thành một người nghèo già đi 10 tuổi. Sau vài năm nữa, bạn sẽ trở thành một người vừa già, vừa nghèo".
Không phải ai cũng may mắn được sinh ra ở vạch đích, có sẵn mọi thứ trong tay. Vậy nên, đừng đố kỵ với những thứ mà người khác có. Nếu muốn có nó, không còn cách nào khác, bạn phải làm việc chăm chỉ ngay từ bây giờ.
Nếu bạn sinh ra nghèo khó, vậy thì hãy tự mình nỗ lực kiếm tiền. Nếu bạn không nắm trong tay chiếc chìa khóa vàng ngay từ nhỏ, vậy thì hãy chiến đấu cho tương lai, đừng lấy "cái nghèo" và "xuất thân cơ hàn" để biện minh cho việc lười biếng. Đọc sách, học hỏi, làm việc chăm chỉ, tìm kiếm những cơ hội mới ngoài công việc... đều là những cách khiến vòng tròn cuộc sống của bạn trở nên lớn hơn.
Người bình thường tìm kiếm sự ổn định, còn người giàu lại thích những thách thức. Những người bình thường luôn mong được làm trong một công ty lớn, công việc ổn định, còn người giàu thì dạy con cái của mình tự thành lập công ty, tự kiếm sống. Đó là sự khác nhau trong tư duy của người nghèo và người giàu.
Dù hiện tại, bạn không có gì trong tay, nhưng ít nhất cũng hay mang tư duy của người giàu. Đừng nghèo ý chí rồi than đời bất công và mãi lún sau trong nỗi thật vọng.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.