Họ vừa ra trường đã được nhận ngay công việc lương cao tương đương 200 USD mỗi tháng, trong khi chúng tôi cũng làm công việc như vậy nhưng chỉ nhận mức lương 50 USD là cùng. Hồi đó, một USD tương đương 11.000 đồng và GDP đầu người của Việt Nam cũng xấp xỉ 200 USD.
Kinh tế phát triển, thu nhập GDP tăng, mức sống tăng. Nhờ sự nỗ lực học tập nâng cao bản thân, thu nhập của chúng tôi đã sớm vượt qua thu nhập trung bình và ngày càng bỏ xa con số đó. Trong khi những người mà chúng tôi từng hâm mộ vẫn đang loay hoay với mức thu nhập xấp xỉ thu nhập trung bình. 30 năm trước họ là những người khá giả trong xã hội, 30 năm sau họ trở thành người nghèo.
Đọc bài viết "Tôi sẵn sàng đóng đủ tiền điện để người nghèo được giảm nhiều hơn", tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả. Đây là cách nghĩ của một người văn minh. Còn có ý kiến cho rằng "sao có điều kiện không đem tiền cho trực tiếp người nghèo", theo tôi nó sẽ làm cho người nghèo ỷ lại, một hành động có phần thiếu hiểu biết.
Từ câu chuyện này, tôi lại liên tưởng đến một vấn đề đáng rất được quan tâm khác trong xã hội, đó là câu chuyện tiết kiệm để làm giàu.
Ngoại trừ một số ít người có "số đẻ bọc điều", phần lớn mọi người học xong, ra đi làm, ai cũng như nhau, phải tự thân cố gắng mà nâng cao thu nhập. Tiết kiệm và dùng tiền tiết kiệm để nâng cao giá trị bản thân qua việc học hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao tư duy, sẽ dẫn đến sự thành đạt trong tương lai. Thế nhưng ngày nay, nhiều người còn trẻ đã lười tư duy, thích ăn diện, đua đòi, bài xích góp ý của người khác..., tương lai của họ sẽ trở thành người nghèo.
>> Bán đất hưởng thụ hay cho con thừa kế?
Càng lớn tuổi, việc học hành tiếp thu cái mới càng khó khăn, càng mất nhiều thời gian công sức. Lớn tuổi mà vẫn tiếp thu được cái mới là nhờ nền tảng kiến thức mà bạn đã bỏ tiền bạc thời gian công sức ra đầu tư từ thời tuổi trẻ chứ không phải là bạn thông minh hơn người. Càng lớn tuổi, bạn càng sợ mất những gì đang có, làm cái gì cũng nhìn trước ngó sau, nhiệt huyết dấn thân đã thui chột đi rất nhiều. Tuổi trẻ mà không đầu tư cho bản thân, bạn sẽ không theo kịp bước tiến của xã hội và trở thành người nghèo.
Và, xã hội chỉ có thể giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn nhất thời chứ không thể nuôi họ cả đời. Đem tiền cho người nghèo không phải là giải pháp. Tôi tin nếu người nghèo biết xài tiền theo cách tối ưu thì họ đã không nghèo. Đừng nói là vài trăm nghìn, dù bạn có cho họ hẳn vài tỷ đồng, nhưng vài năm sau quay lại, họ có thể vẫn nghèo như ban đầu vì đã dùng tiền ấy để ăn chơi xa xỉ nhất thời, chứ không dùng để học hành, nâng cao bản thân.
Tôi biết 20 năm trước, nhiều người nghèo trúng số độc đắc, hoặc bán đất cát và nắm trong tay hàng chục tỷ đồng, nhưng rồi họ lại nghèo như cũ, có khi còn nghèo hơn vì đã quen xài sang. Muốn giúp người nghèo, hãy cho họ vật chất, đừng cho họ tiền. Cho tiền là làm hại họ. Nếu họ bị bệnh hiểm nghèo không có tiền đóng viện phí, hãy giúp họ đóng khoản viện phí ấy; họ không có gạo ăn, mua gạo đưa cho họ... đại loại như vậy. Còn đưa tiền mặt, họ sẽ nướng sạch số tiền ấy vào những chuyện phù phiếm.
Chúng ta nên trợ giúp cho người nghèo bằng chế độ tem phiếu. Tem phiếu ấy tuy có giá trị bằng tiền nhưng nó chỉ mua được những thứ có in trên phiếu, không mua được thứ khác như tiền. Cứu trợ thiên tai cũng vậy, mỗi người có thể được vài chục nghìn USD để sửa chữa lại nhà cửa. Bạn sửa nhà xong đem hóa đơn vật liệu, công cán đến cho ban cứu trợ để họ thanh toán, không một đồng tiền mặt nào đến tay. Làm thế họ cũng chẳng mơ dùng tiền cứu trợ để làm việc khác.
Cái nghèo và tuổi trẻ liên quan mật thiết với nhau. Sự khác nhau giữa người giàu và người nghèo (có xuất phát điểm bằng nhau) là ở thời trẻ tuổi, bạn sống như thế nào mà thôi.
Tuổi trẻ là tuổi đầu tư cho bản thân. Tuổi trẻ học cái gì cũng tiếp thu tốt và nhanh. Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết sẵn sàng dấn thân không biết sợ hãi là gì. Tuổi trẻ đi qua không bao giờ quay lại.
Lâm
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.