Bác sĩ Đào Trần Tiến, Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhiệt độ giảm làm co mạch máu và tăng áp lực bên trong hệ thống tiêu hóa dẫn đến co thắt, đau dạ dày. Nhiệt độ cơ thể xuống thấp khiến trao đổi chất, các enzym tiêu hóa giảm, gây khó tiêu, chướng bụng. Một số nguyên nhân thường gặp dưới đây làm bụng đau khi trời lạnh.
Thay đổi chế độ sinh hoạt: Khi thời tiết lạnh, máu lưu thông kém, khiến dạ dày khó chịu. Thói quen ăn uống (ăn với số lượng lớn, ít chất xơ, uống quá nhiều rượu...) cũng là một trong những nguyên nhân chính gây khó tiêu, buồn nôn, đầy hơi, chuột rút và ợ chua.
Ăn ít chất xơ khiến táo bón, đầy hơi, chướng bụng và chuột rút. Chế độ ăn quá nhiều đường hoặc chất béo, thức ăn chiên rán, đồ ăn nhanh làm chậm quá trình tiêu hóa, ruột khó hấp thu dẫn đến đầy hơi. Uống ít nước cũng giảm quá trình tiêu hóa và đào thải chất ra khỏi cơ thể, gây táo bón, đầy hơi.
Chế độ ăn uống nên cân bằng các chất dinh dưỡng và tiêu thụ thức ăn ấm nóng do đường tiêu hóa nhạy cảm khi thời tiết lạnh. Một số cách phòng ngừa đau bụng vào mùa đông như ăn đủ chất xơ từ các loại rau theo mùa như cà rốt, khoai tây, củ cải...
Chia nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp hệ tiêu hóa không quá tải. Tránh thực phẩm lạnh và đồ sống, uống nước ấm như trà nóng để tiêu hóa dễ dàng. Uống nhiều nước còn loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, ngăn ngừa táo bón. Dùng vừa phải các loại gia vị như gừng, quế, nghệ, đinh hương... giúp ấm bụng.
Tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp thể trạng hàng ngày có thể tăng cường lưu thông máu, cải thiện khả năng trao đổi chất của cơ thể.
Theo bác sĩ Tiến, khi nhiệt độ giảm xuống, mặc không đủ ấm cũng có thể làm bụng đau quặn hoặc đau lâm râm. Hầu hết trường hợp đau bụng do cảm lạnh không nghiêm trọng, có thể tự khỏi sau thời gian ngắn. Người bệnh có thể giảm triệu chứng bằng cách chườm nóng bụng, nghỉ ngơi, uống nhiều nước ấm, giữ ấm cơ thể.
Bệnh lý: Thời tiết giao mùa, nhiệt độ giảm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp như cúm. Bệnh ảnh hưởng đến tiêu hóa gây ra triệu chứng phổ biến nhất là đau bụng.
Người mắc bệnh cúm, Covid 19 có triệu chứng viêm long đường hô hấp trên như ngạt mũi, chảy nước mũi, đau nhức cơ thể, kèm triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, sốt, buồn nôn, nôn, đau bụng. Khi rối loạn tiêu hóa liên quan đến cúm, người bệnh cần nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể, vệ sinh, dùng các thuốc kháng virus theo chỉ định. Người lớn tuổi, trẻ nhỏ suy giảm miễn dịch nên tiêm phòng cúm hàng năm.
Theo bác sĩ Tiến, điều trị đau bụng vào mùa đông tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nên điều chỉnh chế độ ăn uống, thói quen vận động, giữ ấm cơ thể khi đau bụng mùa lạnh. Nếu cơn đau không bớt, người bệnh nên đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và điều trị.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |