Thiếu sắt phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Trẻ gặp tình trạng thiếu sắt có thể bị mệt mỏi, đau đầu, giảm tập trung... Sau khi xác định tình trạng thiếu sắt, bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ cách bổ sung tùy vào mức độ. Một số trường hợp trẻ chỉ cần bổ sung sắt thông qua thực phẩm nhưng cũng có những trường hợp phải dùng thuốc mới có thể cân đối lượng sắt đang thiếu. Ngoài những chỉ định từ bác sĩ, cha mẹ cũng nên lưu ý một số đặc điểm sau để việc bổ sung sắt đạt hiệu quả cao.
Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, cơ thể khó hấp thụ sắt trong trái cây, rau và ngũ cốc hơn là sắt có trong thực phẩm động vật, bao gồm thịt đỏ, thịt gia cầm và cá. Tuy nhiên, việc kết hợp thức ăn động vật với thức ăn thực vật sẽ làm tăng khả năng hấp thụ sắt từ thực vật.
Khi bổ sung sắt cho con, cha mẹ nên chú ý đến lượng sắt. Người lớn cần 18 mg sắt mỗi ngày, trong khi trẻ mới biết đi chỉ cần khoảng 7-10 mg. Vì vậy, một quả trứng chỉ cung cấp 25% nhu cầu sắt mỗi ngày cho người lớn nhưng có thể cung cấp đến gần 70% nhu cầu mỗi ngày với trẻ em. Bổ sung quá nhiều sẽ khiến sắt tích tụ trong cơ thể và có thể gây ra một số chứng bệnh như xơ vữa động mạch, tiểu đường và cao huyết áp...
Mặt khác, phụ huynh lưu ý các loại hạt giàu sắt nhưng lại là nguy cơ gây nghẹt thở cho trẻ nhỏ. Cha mẹ nếu bổ sung sắt qua hải sản quá nhiều, trẻ có nguy cơ tiếp xúc và dư thừa thủy ngân trong cơ thể, không có lợi cho sức khỏe tổng thể.
Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ sắt. Vì vậy cha mẹ nên kết hợp thực phẩm giàu sắt với thực phẩm có nhiều vitamin C, bao gồm trái cây họ cam quýt và nước cam.
Để đáp ứng đủ nhu cầu sắt cho trẻ em, phụ huynh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp, nhất là trước khi trẻ bắt đầu đi học. Cha mẹ chú ý đến chất lượng chế độ ăn ở nhà của trẻ, với ít nhất 2 hoặc nhiều thực phẩm giàu chất sắt mỗi ngày nhưng vẫn cần đa dạng, cân bằng nhóm chất.
Những thực phẩm giàu sắt, bao gồm: Các loại đậu, mật mía, thịt gà, trái cây khô, chà là, mơ, lòng đỏ trứng; một số loại rau xanh như cải xanh, cải xoăn, rau bina, củ cải xanh, măng tây, rau mùi tây, cả xoong, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì, mì ống. Sắt trong thực phẩm động vật có nhiều trong thịt nạc đỏ gồm thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, gan động vật. Các loại hải sản như hàu, ngao, cá ngừ, cá hồi tôm cũng giàu sắt.
Trẻ nhỏ khi sinh ra nhận sắt chủ yếu qua sữa mẹ hoặc sữa công thức. Từ 4-6 tuổi trẻ cần thêm một số chất sắt tăng cường ở dạng ngũ cốc, đồ ăn dặm xay nhuyễn. Khi lớn lên, lượng sắt trẻ nhận chủ yếu thông qua thực phẩm trẻ ăn mỗi ngày.
Anh Chi (Theo Very Well Family)