Đưa con đi khám tại Nutrihome Trường Chinh (Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome), chị Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) chia sẻ với bác sĩ, gần đây con trai thường xuyên than mệt mỏi, đau đầu, mắt lờ đờ, học hành thiếu tập trung. Chị Lan nghi ngờ con thiếu chất vì mấy tháng nay cháu ăn uống kém, tiền sử không có bệnh gì nghiêm trọng.
Sau khi thăm khám, thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm vi chất trong cơ thể cho bé, bác sĩ tại Nutrihome cho biết con trai chị Lan bị thiếu sắt mức độ cao cùng một số vi chất khác. Đây là nguyên nhân dẫn đến hay mệt mỏi, kém ăn, lười vận động, giảm tập trung.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Hương - nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế Viện Dinh dưỡng Quốc gia; bác sĩ dinh dưỡng tại Nutrihome, cho biết thiếu sắt ở trẻ em xảy ra khi lượng sắt cung cấp cho cơ thể trẻ thấp hơn nhu cầu thực mà cơ thể trẻ cần mỗi ngày. Các dấu hiệu cho thấy trẻ thiếu sắt thiếu máu như giảm khả năng tập trung, kém linh hoạt, kém nhạy bén, chậm chạp.
Ngoài ra, về mặt thể chất, trẻ thiếu sắt thiếu máu còn có biểu hiện nhợt nhạt dưới mắt, hoa mắt, chóng mặt thường xuyên, móng tay và lòng bàn tay nhợt nhạt, có các triệu chứng yếu, mệt, lờ đờ, mệt mỏi.
Đối với trẻ em, theo bác sĩ Thu Hương, nhu cầu sắt hàng ngày cần được quan tâm hàng đầu. Các dữ liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy hơn 40% trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển bị thiếu máu, 50-60% trường hợp thiếu máu là do thiếu sắt.
Thiếu sắt thiếu máu ở trẻ em có thể gây ra nhiều hệ luỵ về ngắn hạn lẫn dài hạn. Ví dụ, nó gây rối loạn chức năng vận động, chức năng của giác quan và hành vi, cảm xúc. Đặc biệt khi trẻ bước vào độ tuổi đi học, thiếu sắt thiếu máu sẽ ảnh hưởng đến việc thiếu tập trung trong quá trình học tập, chậm phát triển. Sự chậm phát triển về nhận thức, tâm lý do thiếu sắt thiếu máu ở trẻ em tuổi đi học có thể khiến bé bị suy giảm thành tích trong các bài kiểm tra về ngôn ngữ, kỹ năng vận động, phối hợp. Việc này tương đương với chỉ số IQ bị thâm hụt từ 5-10 điểm.
Đáp ứng nhu cầu sắt ở trẻ
Để đáp ứng đủ nhu cầu sắt cho trẻ em, phụ huynh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho con phù hợp, nhất là trước khi bắt đầu trẻ đi học. Cha mẹ chú ý đến chất lượng dinh dưỡng ở nhà, ưu tiên các thực phẩm giàu sắt nhưng vẫn cần đa dạng, cân bằng nhóm chất. Ngoài ra, trẻ cần thăm khám để đảm bảo khả năng hấp thu sắt. Nếu sự hấp thụ sắt trong đường tiêu hóa của trẻ bị rối loạn thì cũng sẽ làm giảm dự trữ sắt khiến bé có thể bị thiếu sắt.
Sắt có thể được tìm thấy trong thịt bò và thịt gà, gan, trứng, các loại hạt, cá và rau xanh. Không chỉ vậy, ba mẹ cũng cần cho trẻ tiêu thụ nguồn thực phẩm cung cấp vitamin C để hỗ trợ quá trình hấp thụ sắt. Sự kết hợp của sắt với vitamin C cũng có thể được tìm thấy trong thực phẩm, đồ uống bổ sung sắt và vitamin C như sữa tăng trưởng cho trẻ.
Trẻ em thường bị thiếu máu nhưng hầu hết đều không có biểu hiện rõ ràng, chính vì vậy, bố mẹ cần cho bé đi xét nghiệm máu định kỳ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Hương, WHO khuyến nghị, phụ huynh có con nhỏ dưới 12 tuổi nên cho trẻ đi tầm soát thiếu máu thiếu sắt bằng thăm khám lâm sàng, thực hiện xét nghiệm chuyên sâu như xét nghiệm huyết sắc tố, xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, phết tế bào ngoại vi, xét nghiệm vi chất... Việc này rất quan trọng vì giúp trẻ tránh được những rủi ro, vừa tìm ra các yếu tố nguy cơ để phòng tránh bệnh hiệu quả.
Khi có các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ thăm khám và tư vấn, điều trị thiếu máu thiếu sắt kịp thời, đúng đắn. Cha mẹ tyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc bổ sung sắt cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Bình An