Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Giám đốc Y khoa khu vực miền Bắc, Hệ thống Trung tâm Dinh dưỡng - Y học Vận động Nutrihome cho biết, trong sữa mẹ có hơn 20 thành phần axit amin cần thiết cho nhu cầu phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời sẽ phát triển trí não tốt hơn, tăng cường nhận thức, nâng cao sức đề kháng, hạn chế nguy cơ bệnh tật. Cụ thể:
Tăng cường hệ miễn dịch: Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ bú sữa mẹ có phản ứng với kháng thể vaccine tốt hơn so với trẻ bú sữa công thức; giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường ruột, đường hô hấp, nhiễm trùng tai do các loại virus, vi khuẩn gây ra. Những em bé bú sữa công thức có nguy cơ bị nhiễm trùng tai cao gấp 3 lần, khả năng bị viêm phổi và nhiễm trùng đường hô hấp dưới cao gấp 5 lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn.
Tăng cường trí não: Những em bé bú sữa mẹ thường chỉ số IQ cao hơn, dễ thành công hơn trong xã hội bởi trong sữa mẹ có các thành phần chất béo omega 3, DHA giúp trẻ phát triển trí não và thông minh hơn.
Giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính trong tương lai: Các vitamin và khoáng chất trong sữa mẹ bảo vệ trẻ chống lại các bệnh như tiểu đường tuýp 1, ung thư hạch Hodgkin, thừa cân béo phì, các bệnh lý về tim mạch...
Đánh giá chất lượng sữa mẹ dựa vào đâu?
Sữa là mẹ nguồn dinh dưỡng thiết yếu giúp trẻ phát triển, tăng cường hệ miễn dịch, dễ tiêu hóa và tăng khả năng hấp thu. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai, để biết sữa mẹ có tốt không, các chuyên gia dinh dưỡng thường dựa vào sự phát triển của trẻ theo từng giai đoạn để đánh giá. Cụ thể:
Từ 0-3 tháng tuổi
Cân nặng đạt chuẩn của một em bé mới sinh thường ở mức 3-3,5 kg. Trong giai đoạn này, nếu trẻ bú sữa mẹ, mỗi tháng tăng tối thiểu 600-800 gram và không hoặc ít bị bệnh vặt chứng tỏ sữa mẹ tốt, cung cấp đầy đủ kháng thể cho trẻ.
Từ 3-6 tháng tuổi
Giai đoạn này trẻ vẫn còn bú sữa mẹ. Nếu nhận được nguồn sữa chất lượng trẻ sẽ tăng trưởng rất nhanh, cân nặng tăng lên gấp đôi (mỗi tháng tăng khoảng 500-600 gram). Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai, em bé nhận đủ dưỡng chất sẽ bụ bẫm với nhiều khối cơ, nhanh biết lẫy, biết bò sau này.
Từ 6-9 tháng tuổi
Giai đoạn này trẻ bắt đầu ăn dặm, ngoài chú trọng chế độ dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm từ thực phẩm, mẹ cũng cần đảm bảo các vi chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ thông qua sữa mẹ. Giai đoạn này, trẻ cần tăng 300-400 gram mỗi tháng, nếu trẻ không đạt được ngưỡng này, mẹ nên xem lại chất lượng bữa ăn dặm cũng như chất lượng sữa mẹ.
Từ 9-12 tháng
Giai đoạn này cân nặng của trẻ sẽ chậm lại, mỗi tháng tăng 200-300 gram, ngược lại bé bắt đầu phát triển các kỹ năng vận động như đứng, đi chập chững. Nếu trẻ phát triển tốt cả về cân nặng và các kỹ năng vận động, chứng tỏ chế độ ăn dặm của trẻ tốt đồng thời nguồn sữa mẹ vẫn chất lượng.
Từ 12 tháng trở đi
Giai đoạn này, sữa mẹ có sự thay đổi ít nhiều, tuy nhiên các chuyên gia vẫn khuyên mẹ không nên cai sữa khi con mới một tuổi. Nếu cân nặng của trẻ có dấu hiệu đứng lại, không tăng theo chuẩn 200-300 gram một tháng, có thể do sữa mẹ thiếu chất hoặc thực đơn ăn dặm của trẻ chưa hợp lý.
Cách nhận biết sữa mẹ có đủ dưỡng chất
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là những trẻ trong giai đoạn bú mẹ hoàn toàn (6 tháng đầu đời). Để giúp trẻ phát triển tối ưu về thể chất và cân nặng mẹ cần cung cấp cho trẻ nguồn sữa chất lượng với đầy đủ các thành phần cơ bản như chất béo, chất đạm, kẽm, sắt, canxi....
Bác sĩ Lê Bạch Mai chia sẻ thêm, Nutrihome là Trung tâm Dinh dưỡng - Y học Vận động đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đầu tư máy phân tích thành phần sữa mẹ với công nghệ hiện đại giúp kiểm tra và đánh giá chính xác năng lượng và các thành phần cơ bản trong sữa mẹ như chất béo, chất đạm, đường lactose, độ đặc, chất khoáng, nước, kẽm, sắt và canxi.
"Chỉ cần đặt một lượng sữa mẹ vừa đủ vào máy (8 ml) sẽ cho ra kết quả chính xác về hàm lượng 10 thành phần dinh dưỡng quan trọng của sữa mẹ gồm chất béo, chất đạm, đường lactose, năng lượng, độ đặc, chất khoáng, nước, kẽm, sắt và canxi. Hiện nay, đây là phương pháp duy nhất có thể đánh giá trực tiếp, chính xác, khoa học và nhanh chóng chất lượng của nguồn sữa mẹ", bác sĩ Lê Bạch Mai nói thêm.
Dựa vào kết quả phân tích thành phần sữa mẹ, bác sĩ sẽ xây dựng khẩu phần ăn, thiết kế thực đơn phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, sở thích, nhất là giúp mẹ cải thiện số lượng và chất lượng nguồn sữa cũng như loại trừ các yếu tố gây kích ứng cho trẻ thông qua sữa mẹ. Từ đó, mẹ sẽ nhanh hồi phục sức khỏe hơn, trẻ được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thông qua sữa mẹ để phát triển toàn diện cả về thể lực, trí lực và nâng cao sức đề kháng.
Vương Trinh