Tiến sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Cố vấn cao cấp Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, cứ 100 mẹ bầu thì có đến 9 trường hợp được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ (tiểu đường thai kỳ), bệnh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn thai nhi. Đái tháo đường thai kỳ thường không có dấu hiệu, triệu chứng rõ ràng. Phần lớn mẹ bầu được xác định mắc bệnh khi bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm máu từ tuần thai 24 - 28.
Tiến sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi chia sẻ thêm, khi được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ, thai phụ cần tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, luyện tập thể dục thể thao đều đặn để kiểm soát lượng đường huyết, duy trì cân nặng ổn định và đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho thai nhi phát triển khỏe mạnh. Điều trị bằng tiêm insulin chỉ áp dụng khi chế độ ăn uống và luyện tập không thể kiểm soát được lượng đường trong máu.
Mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ nên ăn gì?
Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) đã đưa ra phương pháp chia dĩa thức ăn gọi là MyPlate để không chỉ mẹ bầu, mà bất cứ người bệnh nào cũng có thể nắm được các bước cơ bản xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, đảm bảo dinh dưỡng. Theo phương pháp này, chế độ ăn uống của mẹ bầu cần đủ các nhóm chất bột đường, chất đạm, chất béo lành mạnh và vitamin, khoáng chất.
Nhóm chất bột đường
Đây là nhóm chất quan trọng cần phải có trong chế độ ăn hàng ngày của người bị đái tháo đường thai kỳ, tuy nhiên, mẹ bầu nên chọn những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như rau không tinh bột (rau dền, rau muống, cải xoăn, bông cải xanh...), rau có ít tinh bột (đậu Hà Lan, cà rốt), trái cây (táo, cam, bưởi, đào, mận, lê...), đậu lăng và các loại đậu... Mẹ bầu ăn ít các thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình (bột mì, các loại bột yến mạch, gạo lứt...) và tránh các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (bánh mì trắng, khoai tây, bí đỏ, bánh quy...)...
Nhóm chất đạm (protein)
Bên cạnh những thực phẩm carbohydrate có chỉ số đường huyết thấp, bổ sung các thực phẩm giàu protein như thịt gà, hải sản, cá (cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi...), trứng, đậu hũ, các loại hạt (hạnh nhân, điều...) các loại đậu (đậu nành, đậu hà lan, đậu đen...)... sẽ giúp mẹ bầu ổn định lượng đường trong máu sau mỗi bữa ăn.
Nhóm chất béo
Loại chất béo được khuyên dùng là chất béo không bão hòa (chất béo lành mạnh). Dầu ô liu, dầu lạc, trái bơ, hầu hết các loại hạt, cá hồi, cá mòi, cá ngừ, hạt chia... là những lựa chọn tốt cho mẹ.
Nhóm vitamin và khoáng chất
Các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật như thịt, cá, trứng, sữa không đường tách béo, rau quả tươi (không bao gồm các loại trái cây ngọt) cũng là những thực phẩm tốt mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ có thể yên tâm dùng.
Cách giúp chia khẩu phần ăn đơn giản và chính xác mà mẹ bầu có thể áp dụng theo phương pháp Myplate là chia nhóm tinh bột chiếm 1/4 đĩa, tương tự nhóm chất đạm cũng 1/4 đĩa, khoảng trống còn lại trên đĩa lấp đầy rau xanh và trái cây.
Ngoài các thực phẩm trên, mẹ cũng cần biết phụ nữ mang thai không nên ăn gì để đảm bảo kiểm soát được bệnh trong suốt thai kỳ. Mẹ bầu nên tránh xa các loại thực phẩm được chế biến sẵn như thức ăn nhanh, nước uống có chứa cồn (rượu, bia...), nước uống có nhiều đường (nước trái cây đóng hộp, chè, trà sữa, kem), các loại bánh kẹo ngọt (bánh kem, bánh cupcake, donut), thực phẩm chiên hoặc rán nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa nhiều tinh bột như khoai tây, cơm trắng...
Cách ăn uống giúp mẹ bầu kiểm soát đường huyết
Đối với thai phụ nói chung và thai phụ mắc đái tháo đường nói riêng, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng, vì vừa giúp ổn định đường huyết vừa đảm bảo dinh dưỡng để thai nhi phát triển. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi, thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ nên chia nhỏ bữa ăn thành 6 bữa một ngày, gồm 3 ba bữa chính và ba bữa phụ.
Bữa sáng: là bữa ăn quan trọng trong ngày. Mẹ bầu cần ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính gồm tinh bột, chất béo, chất đạm và vitamin. Với nhóm tinh bột, mẹ bầu nên dùng các thực phẩm chứa tinh bột chưa qua chế biến như ngũ cốc nguyên cám, bánh mì đen....
Bữa trưa và tối: tương tự bữa sáng, mẹ bầu cũng nên ăn đủ các nhóm chất quan trọng nêu trên vào bữa trưa và bữa tối. Một lát cá hồi nướng ăn kèm bông cải hấp và súp bí đỏ, hoặc một lát sandwich gà kèm salad rau quả... là những gợi ý cho mẹ.
Các bữa phụ: không cần phải đảm bảo luôn có đầy đủ 4 nhóm chất. Mẹ chỉ cần ăn một hũ yaourt trái cây (loại không đường và trái cây ít ngọt) là đủ.
Cách đơn giản nhất mẹ có thể kiểm soát lượng thức ăn nạp vào mỗi ngày là lập ra kế hoạch ăn uống khoa học và tuân thủ nghiêm túc theo kế hoạch đã đề ra. Nếu mẹ vẫn đang lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình cũng như chế độ ăn uống chưa hợp lý nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Theo bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome với đầy đủ các thiết bị máy móc hiện đại nhất Việt Nam sẽ giúp việc khám sàng lọc và điều trị đái tháo đường thai kỳ hiệu quả. Đến đây, mẹ sẽ được các chuyên gia kiểm tra sức khỏe thật kỹ và tùy theo mức độ bệnh sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
Hầu hết các trường hợp mắc đái tháo đường thai kỳ đều được điều trị bằng chế độ tập luyện thể dục thể thao và tuân thủ nghiêm khắc thực đơn ăn uống. Đến với Nutrihome, các chuyên gia dinh dưỡng của trung tâm sẽ giúp mẹ xây dựng chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe, sở thích nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng để mẹ khỏe, con yêu phát triển toàn diện.
Yến Oanh