Nhiều người ăn chay đầu năm để tâm trí thanh tịnh, cầu mong an lành. Trong ẩm thực chay, nấm được ưa chuộng nhờ chứa nhiều chất dinh dưỡng, dễ ăn, chế biến đơn giản.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ăn nấm hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề sức khỏe. Các thành phần hoạt tính sinh học tự nhiên trong nấm hỗ trợ giảm lượng đường trong máu, kiểm soát triệu chứng bệnh tiểu đường. Nấm còn góp phần bảo vệ cơ thể chống lại ung thư, nhiễm độc, viêm nhiễm, giảm cholesterol máu, huyết áp cao, ức chế miễn dịch...
Nấm còn giàu các hợp chất tự nhiên như chất xơ, polysaccharides, phenolics và alkaloid có tác dụng chống oxy hóa và hạ mỡ máu, góp phần ngăn ngừa tiểu đường. Polysaccharides còn đóng vai trò điều chỉnh thành phần hệ vi sinh đường ruột, làm giảm tình trạng kháng insulin và tăng cường hoạt động sản xuất insulin.
Bác sĩ Trúc gợi ý cho người bệnh tiểu đường một số món ngon được chế biến từ nấm dưới đây.
Nấm mỡ xào chay: Cách chế biến đơn giản với các nguyên liệu như hành tây, dầu ăn, tỏi băm, dầu hào, muối, rau mùi, tiêu. Món ăn có hương thơm đặc trưng của nấm, tiêu, rau mùi, vị ngọt thanh, mặn, cay the.
Nấm kim châm xào mướp: Nấm kim châm rất dễ tìm mua ở chợ và siêu thị tại Việt Nam; có hình dài nhỏ, vị ngọt, dai, giòn. Để nấu món nấm kim châm xào mướp cần có nấm kim châm, mướp, hành tím, muối, hạt nêm, rau mùi, tiêu...
Nấm đùi gà kho tiêu: Nấm đùi gà có màu trắng đặc trưng, rất giòn, có thể chế biến thành nhiều cách. Chỉ cần các nguyên liệu như nấm đùi gà, tiêu, nước tương, dầu hào, ớt khô, tiêu đem kho là có món ăn thơm ngon.
Cháo nấm bào ngư: Món này dễ nấu lại nhiều dinh dưỡng. Cháo nấm bào ngư được nấu từ nấm bào ngư, gạo tẻ, hạt nêm chay, cà rốt, nấm hương; có thể cho thêm hành, ngò nếu muốn tăng hương vị.
Bác sĩ Trúc cho biết nấm có thể nấu được nhiều món chay ngon bổ dưỡng, hợp khẩu vị với người Việt. Người bệnh tiểu đường có thể tham khảo thêm các món nấm xào ớt chuông, nấm hương xào cải thìa, nấm đùi gà áp chảo, nấm kim châm xào hành...
Ngoài nấm, người bệnh nên kết hợp nhiều thực phẩm khác để đa dạng bữa ăn chay như đậu hũ, các loại đậu, salad cải mầm, hạt, rau xanh, các loại củ... để cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
Người bệnh tiểu đường cũng cần dùng thuốc đều đặn, ăn uống đầy đủ, tập thể dục hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |