Bánh chưng, bánh tét là các loại bánh truyền thống của người Việt dịp Tết. Bánh chưng có hương thơm từ nếp mới, đậu xanh, hành và thịt heo. Bánh tét dẻo thơm có nhiều loại nhân như thịt mỡ, thịt nạc, chuối, dừa, đậu phộng, đậu xanh... Hai món bánh đặc trưng này có nguyên liệu chính là nếp nguyên hạt, gói bằng lá chuối hoặc lá dong và luộc trong thời gian dài.
Không ít người bệnh tiểu đường thích ăn bánh chưng, bánh tét nhưng lo ngại nhiều tinh bột, gia vị ảnh hưởng sức khỏe.
BS.CKII Trương Thị Vành Khuyên, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lưu ý người bệnh tiểu đường cần kiểm soát lượng carbohydrate (tinh bột, đường) trong chế độ ăn. Nếu người bệnh nạp nhiều carbohydrate (thành phần cơ bản trong thức ăn mà cơ thể sử dụng để tạo ra năng lượng) vào cơ thể, chất carbohydrate này được chuyển hóa thành đường và gây tăng đường huyết. Thành phần carbohydrate được chia ra hai loại là carbohydrate hấp thu nhanh và carbohydrate hấp thu chậm.
Cơm, bánh chưng, bánh tét thuộc nhóm carbohydrate hấp thu chậm. Tuy nhiên, nếu người bệnh ăn cơm, bánh chưng, bánh tét vượt quá khẩu phần so với hướng dẫn của bác sĩ làm tăng đường huyết. Nếu bác sĩ hướng dẫn người bệnh chỉ ăn một chén cơm thì năng lượng chất bột đường trong cơm tương đương ở trong bánh chưng, bánh tét. Người bệnh muốn chuyển từ ăn cơm qua ăn bánh chưng, bánh tét thì chỉ nên ăn một lượng tương đương. Nếu ăn bánh chưng rồi thì bữa đó không ăn thêm cơm nữa.
Để có thể thưởng thức món bánh truyền thống ngày Tết cổ truyền Việt Nam, người bệnh có thể sử dụng công thức bàn tay. Mỗi bữa ăn có thể ăn một phần bánh chưng bằng bàn tay. Nếu đã ăn bánh chưng rồi, trong cùng một bữa không nên ăn thêm cơm hay loại tinh bột khác.
Bác sĩ Khuyên tư vấn người bệnh tiểu đường nên ăn rau trước rồi mới ăn bánh chưng, bánh tét hoặc tinh bột đường, thịt, cá... Cách này giúp đường huyết sau ăn tăng chậm hơn.
Nhóm carbohydrate hấp thu nhanh có nhiều trong quả chín, nước ngọt, bánh, kẹo, mứt vì chứa glucose, fructose. Khi chọn món ăn, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Bác sĩ Khuyên khuyến nghị người tiểu đường nên ăn đủ ba bữa chính, hạn chế ăn vặt vì đa phần bánh mứt ngày tết gây tăng đường huyết nên khi ăn vặt phải chú ý giảm lượng tinh bột trong bữa ăn chính. Không nên ăn vặt nhiều lần trong ngày, không bỏ bữa, tránh thức khuya, uống rượu bia vì làm tăng đường huyết, ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Người bệnh nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục với các bài tập đơn giản tại nhà hoặc đi bộ, đạp xe giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |