ThS.BS.CKI Hà Thị Ngọc Bích, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết các món ăn truyền thống ngày Tết thường nhiều thịt mỡ, đạm, chất béo, có thể khiến người bệnh tiểu đường khó đạt mục tiêu cân bằng dinh dưỡng, kiểm soát đường huyết.
Để cân bằng, người bệnh có thể chọn chế biến cá thành nhiều món để đa dạng hơn thực đơn ngày Tết. Cá giàu protein, khoáng chất, kẽm, iốt, kali thơm ngon nhưng lại ít chất béo bão hòa, giàu vitamin cần thiết cho cơ thể.
Các chất béo có từ cá đa phần là chất béo tốt như axit béo omega 3. Ăn cá thường xuyên có thể tốt cho huyết áp, giảm nguy cơ đau tim, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho não.
Bác sĩ Ngọc Bích gợi ý một số món cá kho ngày Tết quen thuộc với người Việt Nam vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng.
Cá lóc là cá nước ngọt phổ biến ở các nước châu Á. Các chất axit amin, axit béo chứa trong thịt cá lóc cung cấp nhiều đạm, có thể giúp quá trình lành vết thương nhanh hơn, chống nhiễm trùng, tăng cường hệ miễn dịch.
Cá lóc còn chứa vitamin A và các khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể. Người bệnh tiểu đường có thể chế biến cá lóc kho kết hợp với tiêu, thơm, nghệ.
Cá cơm kho tiêu hoặc kho nghệ thường có trong mâm cơm người Việt Nam. 170 g cá cơm cung cấp khoảng 35 g protein, 8 g chất béo, 2,5 g axit béo omega 3. Cá cơm còn giàu vitamin B3, B12, selen và canxi hỗ trợ duy trì các mô khỏe mạnh, tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể, giảm cholesterol trong máu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, Alzheimer ở tuổi già.
Cá trích là cá nước biển, sinh sống nhiều ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, dễ tìm mua ở các chợ, cửa hàng hải sản của Việt Nam.
Bạn có thể kho cá trích với cà chua hay kho rục. Món ăn này giàu dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như vitamin A, vitamin D, omega 3, DHA... 100 g cá trích chỉ có 158 calo, protein trong cá trích dễ tiêu hóa, nhiều axit amin thiết yếu.
Cá thu nhật với vị béo đặc trưng, thịt mềm giúp bữa ăn thêm hấp dẫn. Cá thu nhật chứa nhiều axit béo, các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin K, natri, sắt, magie, kẽm, selen... Cá chứa nhiều axit béo không bão hòa, khi nấu chín, lượng axit béo này tăng lên đáng kể, tốt cho sức khỏe. Bạn có thể kho với thơm, cà chua hay kho tiêu.
Cá ba sa có nhiều mỡ ở phần bụng, thịt trắng, có vị ngọt, được nuôi nhiều ở Việt Nam. 126 g cá ba sa chứa 158 calo, 23 g protein, 7 g chất béo, 73 mg cholesterol. Ngoài cung cấp lượng lớn protein, các chất béo tốt có ở cá ba sa còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Có nhiều cách chế biến cá ba sa như kho tiêu, kho tộ, kho hành... Theo bác sĩ Bích, dù cá có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe nhưng người bệnh tiểu đường không nên lạm dụng dễ dẫn đến tăng cân, tăng axit uric, tăng áp lực lên thận. Về lâu dài có thể dẫn đến suy thận do phải lọc đạm quá nhiều.
Người bệnh nên cân đối lượng thực phẩm phù hợp trong mỗi bữa ăn, có thể áp dụng quy tắc bàn tay dễ nhớ và dễ đo lường. Theo đó, khẩu phần cho một bữa ăn gồm lượng chất đạm (thịt, cá, trứng, đậu...) bằng một lòng bàn tay (không tính ngón tay), lượng tinh bột chưa nấu chín bằng một nắm tay, lượng chất xơ từ rau bằng hai bàn tay chụm lại, chất béo khoảng một đốt ngón tay cái.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |