Tuyến giáp sản xuất hormone giúp cơ thể cân bằng quá trình trao đổi chất. Có hai loại bệnh tuyến giáp phổ biến là cường giáp và suy giáp. Mỗi loại có những triệu chứng khác nhau. Bác sĩ thường khuyên người bệnh ưu tiên 4 nhóm thực phẩm gồm các loại hạt, thực phẩm giàu iốt, thịt gà, rau lá xanh để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng bệnh. Chất xơ trong rau lá xanh và các loại hạt mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau cho người bệnh tuyến giáp.
Giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch: Bệnh tuyến giáp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như bệnh động mạch vành, đột quỵ và đau tim. Chế độ ăn nhiều chất xơ giúp giảm nguy cơ mắc các tình trạng về tim này. Chất xơ hòa tan còn góp phần làm giảm cholesterol "xấu", giúp người bệnh giảm nguy cơ viêm tim, tăng huyết áp.
Giảm cân: Người mắc suy giáp thường bị tăng cân không kiểm soát, khó giảm cân. Bổ sung nhiều chất xơ trong chế độ ăn uống hằng ngày giúp giảm nguy cơ béo phì. Người bệnh có thể giảm cân và đưa cân nặng về mức tiêu chuẩn nếu biết cách cung cấp chất xơ, giảm lượng calo tiêu thụ đều đặn mỗi ngày.
Kiểm soát lượng đường trong máu: Chế độ ăn nhiều chất xơ giúp cơ thể hấp thụ đường chậm hơn, cân bằng glucose ở mức ổn định. Người mắc bệnh tuyến giáp nếu tuân thủ chế độ ăn nhiều chất xơ cũng góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Giảm nguy cơ mắc bệnh viêm túi thừa: Viêm túi thừa xảy ra khi các túi lót nhỏ trong ruột bị viêm, nhiễm trùng. Nếu bị suy giáp, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh túi thừa hơn. Chất xơ không hòa tan đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ viêm, nhiễm trùng ở các túi lót này.
Hỗ trợ hệ thống tiêu hóa: Chất xơ giúp kiểm soát quá trình tiêu hóa các loại thực phẩm khác, một tác dụng có lợi cho người mắc suy giáp bị chậm tiêu. Suy giáp lâu dài còn dẫn đến các biến chứng như táo bón, trĩ. Bổ sung chất xơ có thể làm giảm nguy cơ cũng như mức độ nghiêm trọng của táo bón kinh niên. Đối với bệnh cường giáp, tăng lượng chất xơ sẽ điều chỉnh được nhu động ruột, đẩy lùi tình trạng tiêu chảy.
Theo Trung tâm Dữ liệu Thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), chất xơ là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của bất kỳ ai, trong đó có bệnh tuyến giáp. Người được chẩn đoán mắc bệnh tuyến giáp có thể bổ sung nhiều chất xơ hòa tan như: táo, lúa mạch, đậu, cà rốt, trái cây có múi, bắp, củ sắn, yến mạch, đậu bắp, hành tây, củ cải vàng, mơ, mận. Một số chất xơ không hòa tan khác như việt quất, bông cải xanh, cám ngũ cốc, bắp cải, cà rốt, đậu xanh, hạt lanh...
Người bệnh tuyến giáp nên lưu ý bổ sung chất xơ từ từ, tăng dần mỗi ngày để hệ tiêu hóa có thời gian điều chỉnh. Khi bổ sung chất xơ ồ ạt, người bệnh có thể bị khó chịu bụng, dẫn đến đầy hơi, chuột rút... Nên ghi lại nhật ký tiêu thụ thực phẩm để xem loại chất xơ nào phù hợp và loại nào nhạy cảm với cơ thể. Kết hợp uống nhiều nước giúp tăng lượng chất xơ để tránh đau bụng, đầy hơi. Một số chất xơ có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ thuốc. Người bệnh nên thường xuyên kiểm tra chức năng tuyến giáp khoảng 6-8 tuần sau khi bắt đầu ăn nhiều chất xơ.
Anh Chi (Theo Very Well Health)