Trả lời:
Tuyến giáp là tuyến nội tiết nhỏ, hình bướm, nằm trước cổ, có chức năng sản xuất hormone, giúp chuyển hóa, điều hòa nhiệt độ, kiểm soát nhịp tim... Khi tuyến giáp sản xuất các hormone giáp vượt quá nhu cầu của cơ thể sẽ xảy ra tình trạng cường giáp.
Có nhiều nguyên nhân gây cường giáp; trong đó bệnh Basedow (một dạng bệnh nội tiết phổ biến với bướu giáp lớn ở cổ, thường lan tỏa) chiếm 70% trường hợp cường giáp. Các nhân tuyến giáp hoạt động quá mức, viêm tuyến giáp, sử dụng nhiều thực phẩm chứa iod, dùng quá nhiều thuốc hormone tuyến giáp... cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Người bệnh cường giáp có biểu hiện như bướu cổ sưng tấy, mắt lồi, móng tay giòn, rụng tóc, lo lắng, run tay, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, sụt cân, mệt mỏi liên tục, đi phân lỏng, yếu cơ...
Bệnh cường giáp gây ra nhiều phiền toái cho sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng sinh sản. Bệnh cường giáp có thể chữa khỏi nếu người bệnh khám và điều trị đúng cách. Việc điều trị dứt điểm cũng giúp người bệnh chấm dứt các triệu chứng khó chịu do cường giáp gây ra làm ảnh hưởng đến cuộc sống.
Có 3 phương pháp điều trị bệnh cường giáp gồm nội khoa (dùng thuốc), phóng xạ (uống iod có gắn chất phóng xạ) và phẫu thuật (mổ) tuyến giáp. Khi sử dụng phương pháp phù hợp, tuyến giáp hoạt động bình thường, các hormone được cân bằng, ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe tim, huyết áp, thận...
Người bệnh cường giáp cần khám với bác sĩ chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường để được chẩn đoán bệnh chính xác, chỉ định phương pháp điều trị kịp thời, dứt điểm. Nếu không, người bệnh dễ bị rung tâm nhĩ, đột quỵ, loãng xương, khó mang thai (đối với phụ nữ)... thậm chí là gặp cơn bão giáp (cơn nhiễm độc giáp) nguy hiểm tính mạng. Cơn bão giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất và giải phóng một lượng lớn hormone tuyến giáp trong khoảng thời gian ngắn.
Các triệu chứng của cơn bão giáp gồm sốt cao, nhiệt độ từ 40-42 độ C; nhịp tim nhanh vượt quá 140 nhịp một phút; người bệnh bị kích động, lo lắng, mê sảng, lơ mơ. Chỉ trong thời gian ngắn, người bệnh nhanh chóng bị suy tim sung huyết (tim hoạt động kém hiệu quả, chức năng bơm máu bị giảmgây ra tình trạng ứ máu tại tim, phổi và các mô, cơ quan trong cơ thể). Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định, uống thuốc theo đúng liều lượng, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường cần liên hệ bác sĩ.
Với người bị bệnh basedow, căng thẳng là một trong những yếu tố khiến cường giáp phát triển. Ngoài thực hiện chế độ ăn uống ít iod, bác sĩ Tâm lý có thể giúp người bệnh giải tỏa căng thẳng, khó khăn trong cuộc sống. Bác sĩ tư vấn các bài tập thể dục thể thao phù hợp với tình trạng bệnh của mỗi cá nhân như bài tập yoga, vận động thư giãn...
Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý chữa trị bằng phương pháp lấy kim châm vào bướu, rạch bướu bằng dao lam, đắp lá vào bướu... khiến nhiễm trùng, áp xe. Điều này làm cho việc điều trị tại các bệnh viện trở nên khó khăn hơn.
Bác sĩ CKI Võ Trần Nguyên Duy
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM