Tuyến giáp sản xuất hormone để duy trì sự trao đổi chất cân bằng cho cơ thể. Bệnh tuyến giáp xảy ra do sự thay đổi cấu trúc mô học, nhất là khi chức năng tuyến giáp bị rối loạn (cường giáp hoặc suy giáp). Tuyến giáp sản xuất quá ít hormone gây bệnh suy giáp. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, tăng cân, không thể chịu được nhiệt độ lạnh. Tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone sẽ dẫn đến bệnh cường giáp. Người bệnh cường giáp sử dụng năng lượng quá nhanh khiến cơ thể mệt mỏi, cảm thấy lo lắng, tim đập nhanh, sụt cân.
Hai rối loạn chính này của tuyến giáp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó, thiếu iốt gây rối loạn chức năng tuyến giáp, ảnh hưởng đến nhiều người. Do đó, người bệnh tuyến giáp cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để bảo vệ sức khỏe. BS.CKI Trần Đông Hải (khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) gợi ý một số loại thực phẩm tốt cho người bệnh tuyến giáp.
Thực phẩm giàu iốt
Iốt giúp cân bằng nội tiết tố tuyến giáp, kích thích sản sinh các nội tiết tố cần thiết, giảm sự hình thành các khối u tuyến giáp. Thực phẩm giàu iốt như rong biển, hải sản tốt cho người bị bướu giáp nhưng không dùng cho bệnh nhân cường giáp. Iốt rất cần thiết cho tuyến giáp nhưng cần bổ sung ở mức hợp lý trong bữa ăn hàng ngày.
Người bệnh đang điều trị bằng iốt phóng xạ và các phương pháp khác cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để bổ sung lượng phù hợp mỗi ngày. Nếu người bệnh lạm dụng khiến tuyến giáp hoạt động quá mức gây viêm tuyến giáp, làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Rau lá xanh
Chế độ ăn của người bệnh ung thư tuyến giáp cần bổ sung các loại rau lá xanh. Vì đây là những thực phẩm chứa nhiều magie, khoáng chất, cung cấp dưỡng chất tốt, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tuyến giáp và cơ thể diễn ra hiệu quả hơn. Người bệnh nên ăn các loại rau có màu xanh đậm như rau mồng tơi, rau diếp cá, rau muống... để cơ thể nhận đủ magie; giúp các triệu chứng đau cơ, mệt mỏi, nhịp tim không đều được cải thiện.
Các loại hạt
Các loại hạt phổ biến như hạnh nhân, hạt điều, hạt bí... là nguồn cung cấp magie rất tốt cho cơ thể, giàu protein thực vật, vitamin B, E, các khoáng chất khác hỗ trợ hoạt động hiệu quả của tuyến giáp. Hạt lanh chứa hàm lượng axit béo omega 3 có vai trò quan trọng với chức năng của tuyến giáp nên cũng là lựa chọn cho chế độ ăn kiêng của người bệnh cường giáp. Trước khi ăn, hạt lanh cần được nghiền nát để tăng lợi ích sử dụng.
Thịt gà
Thịt gà cung cấp protein, kẽm tốt cho sức khỏe. Kẽm cần thiết để điều chỉnh hormone tuyến giáp trong cơ thể nên người bệnh có thể lựa chọn thịt gà bổ sung vào khẩu phần ăn.
Người mắc các bệnh tuyến giáp nên ăn uống cân bằng, đủ dinh dưỡng, dùng thuốc theo chỉ định. Khi có các dấu hiệu khác thường ở cổ hoặc có triệu chứng như mệt mỏi, không thể chịu được nhiệt độ lạnh, cảm thấy lo lắng, tim đập nhanh... người bệnh nên đến gặp bác sĩ khoa nội tiết - đái tháo đường để thăm khám và điều trị phù hợp.
Mai Hoa