Trả lời:
Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đặc trưng bởi tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính, gây suy giảm chức năng thông khí phổi. Bệnh ảnh hưởng tới khả năng hô hấp, tác động tới các cơ quan như tim mạch, cơ xương, thần kinh...
Ở giai đoạn sớm của bệnh, triệu chứng phổ biến là ho, khạc đờm kéo dài. Hai dấu hiệu này không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác ví dụ như viêm phế quản mạn tính. Người thường xuyên hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc, tiếp xúc khói, bụi công nghiệp, bếp than trong thời gian dài (khoảng trên 10 năm) có nguy cơ cao mắc COPD.
Đa số người bệnh thường chỉ đi khám khi xuất hiện tình trạng khó thở, lúc này bệnh thường đã ở giai đoạn muộn. Ban đầu, tình trạng khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức. Sau đó, người bệnh khó thở nhiều và thường xuyên hơn. Đến giai đoạn cuối của COPD, người bệnh khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ảnh minh họa: Bệnh viện Tâm Anh
Bệnh diễn biến trong thời gian dài, hệ hô hấp phải hoạt động gắng sức để hít thở, các bộ phận khác như tim cũng bị ảnh hưởng và hoạt động nhiều hơn. Vì thế, ở giai đoạn cuối, người bệnh COPD thường suy tim với biểu hiện phù chân. Một số người bị trầm cảm, loãng xương.
Bố của bạn đã được chẩn đoán mắc COPD, cần tuân thủ khám định kỳ và dùng đơn thuốc của bác sĩ nhằm kiểm soát triệu chứng, ngăn bệnh trầm trọng hơn, nhất là khi thời tiết nồm ẩm. Nếu người mắc COPD nhiễm cúm hay bệnh đường hô hấp khác có nguy cơ cao biến chứng, khiến bệnh trở nặng đột ngột. Bố của bạn nên tiêm vaccine phòng các bệnh hô hấp như cúm, phế cầu.
ThS.BS Trần Duy Hưng
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |