Trả lời:
Tràn khí màng phổi là tình trạng không khí tích tụ giữa phổi và thành ngực. Bệnh làm xẹp một phần hoặc toàn bộ phổi dẫn tới nguy cơ suy hô hấp, tử vong nếu không được can thiệp kịp thời và đúng cách.
Tràn khí màng phổi có thể điều trị dứt điểm nếu người bệnh tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Nguyên tắc chữa bệnh là hút hết khí khoang màng phổi và dự phòng tái phát. Các phương pháp được bác sĩ chỉ định dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Một số thủ thuật điều trị bệnh là chọc hút khí đơn thuần, đặt ống dẫn lưu màng phổi, gây dính màng phổi bằng thuốc hoặc hóa chất. Các phương pháp thường được sử dụng là phẫu thuật nội soi lồng ngực có hỗ trợ video (VATS), phẫu thuật hỗ trợ bằng robot. Đây đều là các biện pháp ít xâm lấn, thông qua các vết rạch nhỏ. Trong thời gian này, người bệnh nên vận động nhẹ nhàng, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để đẩy nhanh quá trình hồi phục.

Phẫu thuật nội soi điều trị tràn khí màng phổi ít xâm lấn, thông qua các vết rạch nhỏ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trường hợp tràn khí màng phổi nhẹ, lượng khí vào khoang màng phổi ít, bệnh có thể tự khỏi. Sau khi khám, bác sĩ hướng dẫn người bệnh nghỉ ngơi tại nhà và hẹn tái khám sau khoảng 7 đến 10 ngày. Nếu bệnh không cải thiện, bác sĩ xem xét các yếu tố và đưa ra phương án tiếp theo. Trường hợp tràn khí màng phổi nặng không tự khỏi, người bệnh cần có sự can thiệp từ các bác sĩ chuyên khoa ngay từ đầu. Khi có dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến bác sĩ khám để xác định tình trạng, không tự ý phỏng đoán hoặc chủ quan cho rằng bệnh nhẹ.
Bệnh có nguy cơ tái phát khi không được kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ. Để phòng ngừa, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn trong và sau điều trị, uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tái khám định kỳ, từ bỏ thói quen hút thuốc lá (nếu có). Người bệnh xuất hiện dấu hiệu bất thường như đau ngực, khó thở sau khi được điều trị cần đến cơ sở y tế để kiểm tra kịp thời.
ThS.BS Đào Phương Thúy
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |