Khi gan tổn thương, các tế bào thường không thể thực hiện các chức năng thiết yếu. Bác sĩ Hoàng Nam, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhiều người ăn nhiều thịt, chất béo, đồ chiên rán, rượu bia... vào mùa đông dễ khiến gan nhiễm mỡ hoặc tăng mức độ nhiễm mỡ, lâu dần dẫn tới xơ gan. Chất độc tích tụ khiến cơ thể không tiêu hóa được thức ăn và thuốc.
Một số biện pháp dưới đây góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh gan trong mùa lạnh.
Hạn chế uống rượu bia: Uống rượu bia là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới xơ gan. Khi gan xử lý rượu, một số hóa chất độc hại được giải phóng gây tổn thương gan, dẫn đến bệnh gan do rượu.
Ăn đủ chất: Mùa lạnh, thời tiết thay đổi thất thường làm cho sức khỏe giảm sút. Mọi người nên ăn uống đủ dinh dưỡng, cân đối lượng protein, rau để hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nên giảm các bữa ăn nhiều carbohydrate, bánh ngọt, thịt nướng, đồ chiên rán. Tăng cường trái cây, rau quả, salad để cung cấp vitamin cho cơ thể.
Hạn chế bữa ăn nhanh, thực phẩm có lượng đường cao. Đường có thể làm đảo lộn các vi sinh vật trong ruột, giảm khả năng miễn dịch. Hệ miễn dịch suy yếu, đường ruột và dạ dày tổn hại ảnh hưởng đến sức khỏe của gan.
Không tự ý dùng thuốc: Mùa đông cũng là thời điểm cơ thể dễ tái phát các cơn đau đầu, đau lưng, cơ xương khớp... Dùng thuốc giảm đau đầu, hạ sốt, cảm lạnh khi chưa có chỉ định của bác sĩ có thể ảnh hưởng xấu đến gan, tăng nguy cơ phát triển bệnh gan và sức khỏe nói chung.
Bác sĩ Nam cho biết nhiều người xem thuốc giảm đau không kê đơn acetaminophen an toàn và lành tính. Tuy nhiên, dùng quá liều acetaminophen là nguyên nhân phổ biến gây tổn thương gan. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.
Tiêm phòng: Vaccine giúp phòng ngừa các bệnh viêm gan thông thường như viêm gan siêu vi A,B,C D...
Bổ sung vitamin D: Mùa đông thường thiếu ánh nắng mặt trời, dễ khiến cơ thể thiếu vitamin D, tăng nguy cơ mắc bệnh như cúm, cảm lạnh. Hầu hết nồng độ vitamin D trong máu của mọi người đều giảm mạnh vào mùa đông và không nhận đủ lượng vitamin D tự nhiên. Bác sĩ Nam khuyên mọi người có thể cân nhắc bổ sung vitamin D theo chỉ định của bác sĩ để tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ gián tiếp mắc bệnh gan.
Uống cà phê: Bác sĩ Nam dẫn nhiều nghiên cứu cho thấy uống một lượng cà phê vừa đủ mỗi ngày góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh gan như viêm gan, gan nhiễm mỡ không do rượu, xơ gan. Người trưởng thành có thể uống cà phê nóng vào buổi sáng giúp cơ thể tỉnh táo và tăng sức khỏe cho gan, nên uống loại nguyên chất, không thêm chất làm ngọt nhân tạo.
Luyện tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên không chỉ duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh mà còn tốt cho gan. Mỗi người nên dành 30 phút tập thể dục mỗi ngày, ít nhất 150 phút hoạt động mỗi tuần để cải thiện nồng độ men gan và chức năng gan tổng thể, đồng thời giảm nguy cơ phát triển bệnh gan nhiễm mỡ.
Gan tổn thương thường ít biểu hiện triệu chứng. Khi bệnh chuyển nặng, các triệu chứng thường gồm ăn không ngon, buồn nôn, tiêu chảy, nước tiểu sẫm màu, đau bụng vùng thượng vị bên phải, vàng da vàng mắt. Mọi người nên khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi cảm thấy có dấu hiệu bất thường để phát hiện sớm, điều trị hiệu quả trước khi tổn thương gan nghiêm trọng xảy ra.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |