Gan tổn thương dễ hình thành mô sẹo (xơ hóa). Gan có nhiều sẹo sẽ co cứng lại gọi là xơ gan. Thông thường, xơ gan không thể phục hồi trừ khi nguyên nhân được loại bỏ hoặc kiểm soát (ngừng uống rượu, điều trị bằng thuốc kháng virus viêm gan B, C).
Bác sĩ Hoàng Nam, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết một số bệnh ảnh hưởng đến gan trong thời gian dài có thể dẫn đến xơ hóa và cuối cùng là xơ gan.
Nghiện rượu mạn tính
Nghiện rượu mạn tính thường gặp ở người 40-50 tuổi, sử dụng rượu ít nhất 30-50 ml mỗi ngày. Gan có thể dung nạp rượu ở mức độ nhẹ, nhưng uống quá nhiều, gan làm việc quá tải dẫn đến rối loạn chức năng trao đổi chất.
Ở giai đoạn đầu, người uống rượu có thể bị tích tụ chất béo trong tế bào gan gọi là gan nhiễm mỡ. Nếu vẫn tiếp tục uống rượu và kéo dài có thể dẫn đến viêm gan do rượu. Bệnh tiến triển gây tổn thương nghiêm trọng đến các tế bào gan. Trường hợp tổn thương nặng khiến các tế bào gan không phục hồi dẫn đến suy gan và biến chứng xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Bệnh gan tự miễn
Đây các rối loạn về gan có nguyên nhân tự miễn dịch bao gồm viêm gan tự miễn, xơ gan mật nguyên phát và viêm đường mật xơ hóa nguyên phát. Bệnh gan tự miễn gây tổn thương dai dẳng dẫn đến viêm, tăng sinh tế bào, lắng đọng các protein tại gan. Xơ gan và mất chức năng gan thường xảy ra sau đó. Bệnh nhân xơ gan có nguy cơ tử vong cao. Do đó, người mắc bệnh gan tự miễn cần theo dõi và quản lý bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm.
Viêm gan virus B và C
Bác sĩ Hoàng Nam cho biết viêm gan virus B và C là những nguyên nhân phổ biến nhất làm tổn thương gan dẫn đến xơ gan. Viêm gan virus mạn tính chiếm tỷ lệ cao nhất về nguyên nhân gây xơ gan tại Việt Nam. Viêm gan virus B và C có thể tiến triển thành xơ gan và ung thư gan. Hiện tỷ lệ người mắc viêm gan virus ở Việt Nam khá cao.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Gan nhiễm mỡ xảy ra do có quá nhiều chất béo tích tụ trong gan, thường gặp ở người thừa cân hoặc béo phì. Gan nhiễm mỡ tiến triển gây viêm, gan sưng, tổn thương do chất béo tích tụ. Viêm gan tiến triển nặng dễ dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
Một số nguyên nhân khác gây xơ gan như rối loạn chuyển hóa đồng (Wilson), do ký sinh trùng, lạm dụng thuốc bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn; bệnh dự trữ glycogen...
Theo bác sĩ Hoàng Nam, xơ gan diễn tiến chậm, thường không có triệu chứng trong nhiều năm. Giai đoạn muộn, người bệnh có thể giảm cân nhanh, mất khối lượng cơ bắp, phù, cổ trướng. Xơ gan chuyển từ trạng thái còn bù sang mất bù có thể đe dọa tính mạng với các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa do tăng áp lực tĩnh mạch cửa, cổ trướng, rối loạn ý thức (hội chứng não gan), vàng da, vàng mắt, suy thận...
Đo đàn hồi gan là một trong những phương pháp không xâm lấn giúp bác sĩ đánh giá mức độ xơ hóa (sẹo). Từ kết quả đo được, bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng xơ hóa tiến triển. Gan có thể tự sửa chữa khi tổn thương nhẹ.
Tổn thương nghiêm trọng do bệnh xơ gan khiến gan không thể tự sửa chữa, hoạt động bình thường. Một số cách góp phần khắc phục tổn thương xơ gan như ăn uống khoa học, uống thuốc và khám bệnh định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |