Hôi miệng xảy ra khi vi khuẩn tích tụ trong miệng gây viêm, ăn thực phẩm nặng mùi, vệ sinh răng miệng kém, bệnh lý. Một số cách dưới đây có thể làm cho mùi hơi thở dễ chịu hơn.
Vệ sinh răng miệng
Đánh răng: Là cách đơn giản để giảm mùi hơi thở. Vi khuẩn gây hôi miệng hoặc thức ăn còn sót lại được làm sạch sau khi đánh răng. Thời lượng phù hợp là khoảng hai phút, ít nhất hai lần một ngày hoặc sau mỗi bữa ăn.
Dùng chỉ nha khoa: Cách này làm sạch thức ăn, vi khuẩn và mảng bám mắc kẹt trong kẽ răng. Nếu không có sẵn chỉ nha khoa, bạn có thể dùng tăm thay thế.
Vệ sinh lưỡi: Đánh răng và dùng chỉ nha khoa không thể loại bỏ hết vi khuẩn gây mùi hôi bám trên lưỡi. Trong trường hợp này, dụng cụ cạo lưỡi chuyên dụng có thể là giải pháp tốt hơn.
Súc miệng thường xuyên: Nước súc miệng chứa chất khử trùng, thường có mùi hương như bạc hà giúp hơi thở thơm mát.
Sỏi trên amidan cũng gây ra hôi miệng. Sỏi hình thành từ quá trình tích tụ và lắng đọng thức ăn dư thừa cùng các dịch mắc lại ở hốc amidan. Súc miệng bằng nước muối hàng ngày làm sạch vi khuẩn và chất dịch nhầy. Ngậm một lượng nhỏ nước súc miệng, giữ trong ít nhất 30 giây trước khi nhổ ra.
Giữ hơi thở thơm mát
Thức ăn có mùi, mảng bám là nguyên nhân khiến hơi thở nặng mùi sau khi ăn. Khi đó, bạn có thể áp dụng một số cách khắc phục nhanh dưới đây.
Ăn kẹo bạc hà: Là giải pháp tạm thời để át mùi hôi sau khi dùng bữa hoặc đồ uống. Nên chọn loại kẹo không đường, có chứa xylitol - chất tạo ngọt tự nhiên để tránh kích thích vi khuẩn gây hôi miệng như đường.
Nhai kẹo cao su không đường: Cũng giống như kẹo bạc hà, kẹo cao su có thể tạm thời làm hơi thở thơm mát nhanh chóng. Khi nhai, chúng tạo ra nước bọt có thể rửa trôi vi khuẩn tạo mùi.
Xịt thơm miệng: Giúp khử mùi hôi miệng sau ăn. Ưu tiên loại nhỏ để dễ dàng cất trong túi sử dụng bất cứ khi nào cần.
Uống nhiều nước: Có thể làm trôi thực phẩm và đồ uống đã tiêu thụ gây hôi miệng. Uống đủ nước cũng là cách giữ ẩm vì khô miệng có thể dẫn đến hơi thở nặng mùi.
Tránh các tác nhân gây hôi miệng
Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá, xì gà đều có nguy cơ dẫn đến mùi hơi thở. Người bỏ thuốc lá còn tránh được các bệnh về đường hô hấp và nhiều bệnh khác.
Hạn chế thực phẩm gây mùi: Tỏi, hành và một số loại thức ăn, gia vị cay, đồ ngọt có thể để lại mùi nồng sau khi ăn. Cà phê, rượu cũng là tác nhân khiến hơi thở nặng mùi. Sau khi tiêu thụ những thực phẩm này, bạn có thể nhai kẹo bạc hà, đánh răng, súc miệng hoặc uống nước.
Nếu hơi thở vẫn có mùi khó chịu sau khi đánh răng hoặc cắt giảm một số thực phẩm nhất định thì nguyên nhân có thể do bệnh lý. Bệnh nướu răng, sâu răng, trào ngược dạ dày không được điều trị cũng có thể dẫn đến hôi miệng.
Bảo Bảo (Theo Wikihow)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |