Hầu hết mọi người đều trải qua vài lần đau họng trong đời. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau họng như nhiễm virus cảm lạnh, hút thuốc lá, dị ứng... ThS.BS.CKI Trương Trí Tường, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyên để giảm đau họng có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ kết hợp chăm sóc, vệ sinh mũi họng đúng cách tại nhà. Dưới đây là một số cách kiểm soát triệu chứng, nhanh khỏi bệnh.
Súc họng nước muối: Phương pháp này giúp giảm đau, giảm đờm và sưng tấy vùng họng. Người bệnh nên dùng nước muối sinh lý 0,9% pha sẵn có bán tại nhà thuốc để đảm bảo nồng độ natri vừa đủ phát huy tác dụng. Nếu dùng nước muối tự pha để súc họng, người bệnh lưu ý không pha quá đặc vì dễ gây kích ứng niêm mạc họng.
Mỗi ngày nên súc họng bằng nước muối ít nhất hai lần, khi vừa ngủ dậy hoặc chuẩn bị đi ngủ. Người bệnh cũng có thể súc bất cứ khi nào cảm thấy họng khó chịu và hôi miệng. Để súc họng, bạn ngửa cổ cho nước muối đi sâu xuống họng. Giữ nước muối ở họng ít nhất 30 giây và khò liên tục, không nên súc lại bằng nước sau khi nhổ nước muối.
Uống nhiều nước ấm: Tình trạng viêm họng thường đi kèm với ho và sốt. Bù nước giúp đẩy nhanh quá trình chuyển hóa, tăng cường sức khỏe tổng thể, hạn chế mất nước do sốt.
Chườm ấm: Dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm, vắt ráo nước rồi đắp lên cổ họng nhằm giảm viêm, đau.
Máy tạo độ ẩm: Không khí khô có thể khiến họng khô rát, tăng triệu chứng đau họng. Máy tạo độ ẩm bổ sung độ ẩm cho không khí, cải thiện triệu chứng viêm họng.
Uống nước chanh và mật ong ấm: Thức uống này góp phần ngăn chặn các dây thần kinh gửi tín hiệu đau. Mật ong có đặc tính kháng khuẩn, giảm viêm. Bạn trộn một thìa cà phê nước cốt chanh hoặc giấm táo, một thìa cà phê mật ong với nước ấm rồi uống. Người lớn có thể pha thêm 1/4 thìa cà phê gừng tươi để tăng hiệu quả. Mật ong chỉ dùng cho trẻ từ một tuổi trở lên.
Trà đen, trà cam thảo, trà gừng ấm, trà bạc hà, trà hoa cúc... có lợi cho người bị đau họng. Trà đen chứa các hợp chất tanin làm dịu niêm mạc họng đang sưng và giảm đau.
Gừng có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa, kháng khuẩn hỗ trợ điều trị các bệnh truyền nhiễm, trong đó có viêm họng do nhiễm virus. Uống một ly trà gừng ấm vào mỗi sáng góp phần cải thiện triệu chứng.
Uống nước ép trái cây: Vitamin C trong các loại nước ép này tăng cường sức đề kháng, đẩy nhanh quá trình hồi phục. Nếu vùng họng đang loét, bạn hạn chế uống loại quá chua (nước cam, chanh nguyên chất) vì nồng độ axit cao có thể làm tổn thương nặng hơn.
Người bệnh hạn chế ăn đồ khô, cứng, cay, nước đá lạnh, uống rượu và hút thuốc lá. Thực phẩm sống như sushi, gỏi cá... kích thích niêm mạc họng, khiến bệnh nghiêm trọng hơn. Thực phẩm được khuyến khích gồm thức ăn mềm như cháo, súp. Súp gà rất tốt để bồi bổ cho cơ thể khi bị đau họng do cảm lạnh.
Bác sĩ Tường khuyên người bệnh nên đi khám nếu viêm họng kéo dài hơn hai tuần không bớt. Tùy vào nguyên nhân, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu viêm họng kéo dài do viêm VA hoặc amidan mạn tính, bác sĩ có thể phẫu thuật nạo VA hoặc cắt amidan để giải quyết tình trạng đau họng cho người bệnh.
Để phòng ngừa đau họng, nên giữ ấm cơ thể trong mùa mưa lạnh; tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng virus cúm, ho gà, HPV. Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn...
Nguyên Phương
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |