Chủ nhật, 13/10/2024

Nước cam

Theo bảng thành phần dinh dưỡng thực phẩm Việt Nam, hàm lượng chất khoáng và vi khoáng có trong 100 gam cam gồm: can xi 34 mg, phốt pho 23 mg, sắt 0,4 mg, kẽm 0,22 mg, vitamin C 40 mg, folat 30 µg, vitamin A 8 µg, vitamin E 0,18 µg, β-carotene 29 µg. Do đó, uống nước cam giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống lại dịch bệnh.

Mỗi ngày dùng một quả cam 100-150 gam cho người trưởng thành. Cam rửa sạch để ráo nước, gọt vỏ và cắt từng miếng nhỏ để ăn hoặc vắt lấy nước. Nên uống nước cam nguyên chất hoặc pha thêm nước ấm, không nên bổ sung đường. Nhiều nhất là ăn/uống nước cam một lần một ngày và sử dụng các loại trái cây khác trong ngày.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3, những ngày thời tiết nắng nóng, cơ thể thường rơi vào trạng thái thiếu nước và tụt năng lượng. Khi ấy bổ sung một ly nước ép cam giúp cơ thể giải nhiệt và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Cải thiện hệ miễn dịch

Nước ép cam một trong các loại nước trái cây giúp cải thiện hệ miễn dịch. Cam chứa 60% hàm lượng vitamin C, hỗ trợ hệ miễn dịch tạo "hàng rào" biểu mô ngăn chặn các mầm bệnh xâm nhập, kích thích sản sinh tế bào bạch cầu trong máu.

Cam chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng. Ảnh: Freepik

Cam chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng. Ảnh: Freepik

Phòng chống ung thư

Phân tích thành phần dinh dưỡng, các chuyên gia kết luận nước cam bổ sung các nhóm chất chống oxy hóa hàng đầu như flavonoid, carotenoid và axit ascorbic. Nhờ tiếp nạp thêm những dưỡng chất này, cơ thể có thể chống lại tác động của các gốc tự do, phòng chống ung thư.

Bảo vệ tim mạch

Nước ép cam được coi như "người bạn tốt" giúp bạn duy trì và bảo vệ trái tim khỏe mạnh. Nước cam có thể điều hòa hoạt động của hệ tuần hoàn, hỗ trợ máu lưu thông hiệu quả nhờ làm tăng nồng độ cholesterol HDL, đồng thời giảm cholesterol LDL xấu.

Tính kháng viêm mạnh

Bạn có thể ăn trực tiếp những múi cam, cũng có thể uống nước ép để giảm mức độ sưng viêm cấp tính, đặc biệt khi mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản phổi hay hen suyễn.

Giảm nguy cơ mắc sỏi thận

Khi nước tiểu có nồng độ pH ở mức độ axit hóa hoặc kiềm hóa thì nguy cơ hình thành sỏi thận tăng cao. Sỏi tích tụ trong thận gây đau và ngăn cản dòng nước tiểu từ thận xuống niệu quản.

"Để cân bằng độ pH trong nước tiểu cũng như ngăn ngừa mầm sỏi, bạn nên uống thêm nước ép cam với một lượng hợp lý", bác sĩ Sơn khuyến cáo.

Giảm táo bón

là nguồn chất xơ hoà tan và không hoà tan, cam rất tốt để giữ cho ruột vận động. Chất xơ trong cam sẽ ngăn ngừa hội chứng ruột kích thích. Nó cũng kích thích sản xuất dịch tiêu hoá, cải thiện tiêu hoá.

Thúc đẩy sức khoẻ não

Cam cũng giàu dưỡng chất thực vật và axit folic, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của não, giúp tăng cường khả năng tập trung hoặc tiếp thu.

Phòng một số bệnh ở trẻ

Ở trẻ em, bắt đầu từ tháng thứ 6 trẻ nên được bổ sung hoa quả hàng ngày. Cam giúp tăng miễn dịch và phòng một số bệnh ở trẻ như cảm lạnh, táo bón, thiếu máu.

  • Phòng thiếu máu
  • Giảm tiêu chảy
  • Giảm cảm lạnh và ho, quai bị
  • Cải thiện thị lực, sức khoẻ răng

Xem chi tiết: Vì sao trẻ nên ăn cam?

Chọn và cách dùng cam

Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, không nên mua nước cam đã chế biến sẵn theo phương pháp thủ công, chế biến và bán ở dọc đường vì không an toàn. Để đảm bảo sức khỏe, nên tự chế biến nước cam tại nhà.

Các loại quả khác cũng giàu vitamin và khoáng chất như bưởi, chanh, đu đủ, dưa hấu... Chính vì vậy, cần ăn đa dạng, đa màu sắc và chủng loại hoa quả hàng ngày.

Khi lựa chọn trái cây cần hạn chế mua những hoa quả trái vụ, nhất là các tháng cuối mùa. Lý do, vào thời điểm đó thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh phát triển nhiều, người trồng phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng với liều lượng vượt mức an toàn. Không nên chọn những trái quá lớn, có vết nứt, bị dập nát hoặc những quả có các vết lấm tấm trên cuống, quả có mùi vị khác thường. Nên chọn quả còn tươi, nguyên vẹn, không bị trầy xước, màu sắc tự nhiên, cảm giác quả phải nặng tay, giòn chắc.

Không mua trái cây đã gọt vỏ và cắt sẵn, trái cây ngâm trong nước vì nước ngâm không đảm bảo vệ sinh hay hòa lẫn các chất độc hại để cho quả nhanh chín, giữ vẻ trắng, giòn hấp dẫn người mua.

Các chuyên gia cho biết uống nước cam trước bữa ăn có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh: Pexel

Các chuyên gia cho biết uống nước cam trước bữa ăn có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh: Pexel

Khi sử dụng cần rửa sạch trái dưới vòi nước để loại bỏ phần nào các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật bám trên bề mặt. Gọt sạch vỏ trước khi ăn, không ăn khi quả có màu sắc, mùi vị bất thường.

Cam hương vị thơm ngon, mát lành, có thể kết hợp với các loại củ, trái cây khác để pha chế thành những ly nước ép hấp dẫn, giàu vitamin khoáng chất. Bạn có thể kết hợp cam cùng cà rốt, dứa, táo, cà chua, củ dền, những loại quả chua như dứa, có thể thêm chút muối hoặc đường để dễ uống và không hại dạ dày.

Bác sĩ lưu ý dù nước ép cam là thức uống được khuyến khích, song không nên lạm dụng để tránh các tác dụng phụ. Không nên uống quá nhiều nước ép cam, đặc biệt là khi mắc tiểu đường, mỗi tuần chỉ nên uống tối đa 2 ly. Hạn chế pha thêm đường hoặc các chất tạo ngọt khác.

Nên uống nước cam khi bụng không no cũng không đói, tốt nhất là sau khi ăn khoảng 30-45 phút. Chỉ sử dụng nước ép cam sau khi pha chế trong thời gian một ngày. Tránh uống nước ép cam sau khi đã sử dụng các sản phẩm từ sữa.

Thời điểm trong ngày nên uống nước cam

Một số chuyên gia đề xuất uống nước cam cũng như các loại nước trái cây khác vào giữa buổi sáng, khi đã ăn đầy đủ. Tuy nhiên, nên uống cách bữa ăn khoảng 45 phút đến một tiếng.

Mọi người không nên uống nước cam trước bữa ăn, đặc biệt là bữa sáng, theo các chuyên gia từ Đại học Princeton.

Xem chi tiết: Thời điểm trong ngày không nên uống nước cam

Có nên uống nước cam vào buổi chiều tối?

Với người bị tiểu đường

Khi ăn trái cây, bạn nên ưu tiên chọn hoa quả thuộc họ cam, quýt, bưởi, vì chúng chứa nhiều loại vitamin, đặc biệt là vitamin C có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, tăng cướng sức đề kháng.

Như vậy, bạn vẫn có thể uống nước cam. Tuy nhiên không nên dùng quá nhiều, chỉ nên uống 1-2 ly mỗi ngày và không thêm đường hay mật ong.

Xem chi tiết: Người tiểu đường có nên uống nước cam?