BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê (Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, khi trời nóng, nhiều gia đình sử dụng máy lạnh thường xuyên. Không khí máy lạnh làm khô đường thở, gây vón cục gỉ mũi, dẫn đến bít đường thở. Điều này khiến trẻ khó chịu phải há miệng ra thở và không khí máy lạnh lại tràn vào. Tình trạng nấm mốc, bụi bặm tích tụ trong thiết bị này cũng khiến trẻ hít phải và bị bệnh.
Trong 6 tháng đầu đời, trẻ được thừa hưởng hệ miễn dịch từ mẹ nên rất ít khi bị sốt, ho, sổ mũi. Tuy nhiên, sau 6 tháng, miễn dịch mẹ cho con bắt đầu giảm dần. Đây là thời điểm cơ thể trẻ bắt đầu hoàn thiện hệ thống miễn dịch và học làm quen với môi trường xung quanh.
Khi đó, amidan hay VA (tổ chức lympho ở vòm mũi họng) trở thành những cửa ngõ quan trọng để bảo vệ trẻ trước các tác nhân môi trường như vi khuẩn, virus... Nhưng chúng cũng có thể phản ứng lại bằng cách gây sốt, viêm amidan, viêm VA... Nếu tình trạng này xảy ra liên tục, tái đi tái lại, amidan, VA trở thành ổ chứa của vi khuẩn, gây hại cho chính cơ thể của trẻ.
Bác sĩ Hạnh Lê lưu ý, việc dùng thuốc điều trị cho trẻ được căn cứ vào độ tuổi, cân nặng, triệu chứng, mức độ nhiễm trùng, nguyên nhân gây bệnh và thậm chí là dịch tễ khu vực sinh sống... Phụ huynh tự ý mua lại đơn thuốc cũ hoặc dùng đơn thuốc của trẻ khác không qua thăm khám với bác sĩ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như đề kháng kháng sinh, dị ứng, sốc phản vệ hoặc thậm chí gây nguy hiểm tính mạng của trẻ.
PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy (Cố vấn chuyên môn Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) chia sẻ thêm, trường hợp viêm amidan, viêm VA nặng kéo dài có nguy cơ gây suy giảm thính lực, ngưng thở khi ngủ, viêm cầu thận cấp, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết... đe dọa tính mạng của trẻ.
Bác sĩ có thể chỉ định nạo VA cho trẻ khi viêm VA quá phát độ 3, 4 gần như bịt kín đường thở, gây viêm xoang nặng, viêm tai giữa, viêm đường hô hấp dưới, trẻ ho dai dẳng, nghẹt mũi, không thở được và liên tục viêm đường hô hấp. Trường hợp trẻ viêm amidan tái phát hơn 5 lần một năm, áp xe amidan, hôi miệng, ngưng thở khi ngủ... cũng được cân nhắc phẫu thuật cắt amidan. Trẻ cần được thăm khám chuyên khoa nhi, tai mũi họng để được bác sĩ kiểm tra và chỉ định điều trị phù hợp.
Theo Phó giáo sư Chung Thủy, hiện nay, các kỹ thuật nạo VA hay cắt amidan hiện đại, ít chảy máu, giảm đau, trẻ mau hồi phục. Chẳng hạn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ứng dụng công nghệ coblator, dao plasma nên các thủ thuật rất nhẹ nhàng, cầm máu tại chỗ. Chỉ trong 30 phút, các ổ viêm được loại bỏ hoàn toàn, hạn chế tổn thương mô xung quanh, không gây bỏng. Trẻ không đau nên không ảnh hưởng tâm lý, có thể nói chuyện, ăn uống sau phẫu thuật 3 giờ và xuất viện sau 24 giờ.
Các bác sĩ cho biết, liều thuốc mê được tính toán cá thể hóa theo từng loại phẫu thuật, từng tình trạng bệnh lý. Liều lượng thuốc mê trong các ca phẫu thuật cắt amidan, nạo VA... cho trẻ rất ít, chủ yếu giúp trẻ nằm yên, không bị lay động khi bác sĩ thực hiện. Thuốc mê sẽ nhanh chóng được đào thải ra ngoài cơ thể. Khi phẫu thuật viên vừa kết thúc thủ thuật, thuốc mê cũng hết tác dụng, trẻ hoàn toàn tỉnh táo.
Để tăng cường đề kháng, phòng bệnh tai mũi họng lúc giao mùa, các chuyên gia khuyến nghị giữ gìn vệ sinh tai mũi họng cho trẻ. Ba mẹ cũng cần chú trọng vệ sinh răng miệng cho con kết hợp bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, khuyến khích trẻ tăng cường vận động...
Ngọc Khánh