Ông Homampour Ali Rezg đau khớp vai đã lâu, ngày càng tăng, nhất là khi vận động, thường xuyên nghe "lách cách" rất lớn ở khớp vai, không thể thực hiện sinh hoạt hàng ngày như giơ tay, thay đồ, ăn uống...
Ngày 7/12, ThS.BS.CKI Mai Hoàng Dương, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh bị thoái hóa ở khớp vai phải giai đoạn cuối, cần phẫu thuật thay khớp. Thoái hóa khớp vai là tình trạng lớp sụn khớp ở vị trí này bị bào mòn do nhiều nguyên nhân, gây suy giảm chức năng hoạt động của vai. Về lâu dài, bệnh có thể làm phát triển gai xương, teo yếu cơ...
Người bệnh mắc nhiều bệnh lý nền, cần uống thuốc thường xuyên như hẹp mạch vành đã đặt hai stent, tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính, rối loạn lipid máu, bệnh lý tiền liệt tuyến... Do đó, các bác sĩ cần chuẩn bị kỹ trước phẫu thuật. Ông Homampour được kiểm soát huyết áp, ngưng sử dụng thuốc kháng đông trước phẫu thuật 5 ngày để hạn chế nguy cơ chảy máu, kiểm tra đánh giá chức năng phổi, nghiệm pháp gắng sức...
Bác sĩ Dương sử dụng phần mềm Traumacad chuyên dụng phân tích hình ảnh X-quang, MRI... giúp quan sát rõ tổn thương ở xương, chọn đường mổ và kích thước khớp vai nhân tạo phù hợp với người bệnh có trọng lượng cơ thể lớn. Người bệnh được thay khớp vai theo đường mổ delta ngực (đường mổ đi giữa cơ ngực và cơ delta) giúp tiếp cận khớp vai dễ dàng hơn. Nhờ đó, tránh được tình trạng phù nề do tổn thương tĩnh mạch đầu ở cánh tay hoặc biến chứng liệt, rối loạn cảm giác sau phẫu thuật do tổn thương đám rối thần kinh từ cổ xuống cánh tay.
Khớp vai có thể vận động nhờ vào một ổ chảo nằm trong xương vai, bao bọc lấy chỏm hình cầu ở đầu xương cánh tay. Theo bác sĩ Dương, khi thay khớp theo phương pháp truyền thống, các thành phần của khớp vai nhân tạo đặt vào đúng vị trí như khớp vai tự nhiên. Phương pháp này không giải quyết triệt để triệu chứng đau và hạn chế vận động, nên bác sĩ chỉ định người bệnh thay khớp vai nhân tạo đảo ngược.
Với phương pháp này, ổ chảo nằm trong xương cánh tay và chỏm xương cánh nằm ở vai. "Khớp vai thế hệ mới tăng biên độ vận động và hạn chế tối đa tình trạng trật khớp sau phẫu thuật, người bệnh có thể sớm tập vật lý trị liệu, đẩy nhanh tốc độ hồi phục", bác sĩ Dương nói thêm.
Một ngày sau phẫu thuật, tầm vận động khớp vai của ông Homampour cải thiện đáng kể. Bà Nga, vợ người bệnh, cho biết mọi sinh hoạt cá nhân trước đây, từ ăn uống đến mặc quần áo, đều phải giúp chồng. Sau phẫu thuật, ông có thể nhấc tay lên cao, xoay cánh tay... thay vì chỉ thả xuôi như trước.
Ông Homampour từng thay khớp háng do hoại tử chỏm xương đùi tại bệnh viện Tâm Anh TP HCM, phục hồi tốt, có thể tự đi lại. Do đó, khi xuất hiện tình trạng bất thường ở khớp vai, ông quay lại bệnh viện để điều trị.
Bác sĩ Dương cho biết thay khớp vai đảo ngược là kỹ thuật khó trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn sâu về khớp vai. Hầu hết trường hợp thay khớp vai toàn phần đều có thể sử dụng phương pháp truyền thống.
Thay khớp vai đảo ngược thường được ưu tiên sử dụng khi người bệnh thoái hóa khớp vai nặng, có một số chấn thương, bao gồm chấn thương thần kinh, ảnh hưởng đáng kể đến cử động của vai, có thể khiến vai bị liệt hoặc liệt một phần; từng được thay khớp vai truyền thống nhưng thất bại, sau phẫu thuật khớp lỏng lẻo, chóp xoay tổn thương...
Phi Hồng