Ngày 2/12, TS.BS.CKII Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tất cả vít dùng để cố định ổ cối khớp háng nhân tạo của bà Lành hiện đã gãy, xung quanh bị hủy xương nghiêm trọng. Tình trạng này khiến khớp háng nhân tạo dần đi qua xương chậu tiến vào ổ bụng, gây đau đớn dai dẳng và mất vận động.
Bà Lành từng thay khớp háng do gãy cổ xương đùi bên phải, 4 năm nay khớp bắt đầu đau và cứng, khó cử động. Gần đây, đau tăng dần khiến bà nằm một chỗ, không thể ngồi dậy hoặc đi lại. "Khớp háng nhân tạo không đảm bảo độ bền chắc hoặc kỹ thuật thay khớp chưa tối ưu nên theo thời gian và sinh hoạt, khớp hư hỏng và chui dần lên ổ bụng", bác sĩ Tuấn giải thích, thêm rằng năm 2024, bệnh viện Tâm Anh tiếp nhận 5 trường hợp phải thay lại khớp háng mới.
Mất khả năng vận động khiến người cao tuổi đối mặt nhiều vấn đề nguy hiểm như teo cơ, cứng khớp, huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc phổi, trầm cảm, tử vong. Do đó, bà Lành được chỉ định phẫu thuật thay lại khớp háng sớm. Tuy nhiên ca phẫu thuật không thể tiến hành ngay vì bà Lành mắc rất nhiều bệnh nền như tim mạch, hô hấp, suy thận... Người bệnh được điều trị ngoại trú trong ba tuần để ổn định các chỉ số, chuẩn bị thể trạng tốt nhất trước khi mổ. Êkíp truyền máu, gây mê hồi sức chuẩn bị kỹ mọi phương án dự phòng bởi ca phẫu thuật phức tạp, thời gian kéo dài và người bệnh mất nhiều máu.
Vì chất lượng và khối lượng xương của bà Lành suy giảm rất nhiều sau lần phẫu thuật đầu tiên, êkíp mổ phải thực hiện từng bước cẩn trọng. Đầu tiên, bác sĩ Tuấn dùng kỹ thuật đường mổ phía sau tiếp cận và bộc lộ toàn bộ chu vi của ổ cối. Kế đến, làm sạch mô xơ, giải phóng bao khớp và lấy ổ cối cũ ra ngoài. Vì xương đùi đã biến dạng nên chui khớp háng nhân tạo cũ được thay lại nhằm củng cố độ vững chắc và ngăn được lực vặn xoắn.
Khớp háng nhân tạo mới được thiết kế đặc biệt, có thêm một chiếc móc ở bờ dưới ổ cối đế cố định khớp háng, ngăn ngừa tình trạng dịch chuyển khớp. Bà Lành còn được ghép xương ổ cối để bù đắp phần xương đã mất đi, bắt vít nẹp ngoài nhằm gia cố sự vững vàng của khớp háng.
Ca phẫu thuật kết thúc sau ba tiếng. Sau mổ, bà tự ngồi dậy được và bắt đầu tập đi. Tiên lượng sauba tháng, người bệnh có thể đi lại thoải mái.
Bác sĩ Tuấn cho biết với công nghệ hiện nay, hầu hết khớp háng nhân tạo có thể kéo dài 20-30 năm, tùy thuộc vào chất lượng khớp, kỹ thuật mổ, điều trị và chế độ chăm sóc của người bệnh sau phẫu thuật. Tập phục hồi chức năng, tái khám định kỳ, thể dục, dinh dưỡng... phù hợp giúp tăng tuổi thọ cho khớp nhân tạo. Sau phẫu thuật, đa số người bệnh có thể trở lại sinh hoạt thường ngày.
Ở lần thay khớp đầu, người bệnh cần được giữ lại tối đa lượng xương, cơ và các mô mềm khác để tăng khả năng thành công cho lần mổ sau (nếu có). Một số kỹ thuật mổ bảo tồn xương, ít xâm lấn đang được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh như SuperPATH, ABMS... có thể giúp đạt được mục tiêu này.
Khi khớp háng nhân tạo hư hỏng, người bệnh cần thay mới để ngăn ngừa nguy cơ tàn phế. "Thay lại khớp háng là kỹ thuật rất khó, nguy cơ biến chứng cao hơn lần đầu", bác sĩ Tuấn nói, khuyến cáo người bệnh nên thực hiện phẫu thuật tại các cơ sở y tế có chuyên môn và được trang bị đầy đủ dụng cụ chuyên biệt.
Phi Hồng
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |