Tại sao du lịch Việt chưa hấp dẫn được khách quốc tế? Đơn giản vì chúng ta chưa đánh trúng được vào sở thích, nhu cầu của họ. Thế nên muốn giải được bài toán kích cầu du lịch Việt, hướng tới mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, chúng ta cần tập trung cung cấp được những thứ mà du khách nước ngoài tìm kiếm.
Người phương Tây vốn rất thích cảnh đẹp hoang sơ. Như thành phố cổ nơi tôi sinh sống, cũng như hàng ngàn nơi du lịch khác trên khắp nước Đức, tất cả đều thống nhất giữ sự hoang sơ: con sông chảy quanh co trong thành phố, hai bên bờ không xây bê tông, cỏ lau mọc um tùm và vịt trời sinh sống cả bầy, đàn thiên nga bơi lội ven đường ôtô, đường ôtô trải nhựa hoặc ghép bằng đá giữ nguyên trạng từ thời Trung cổ, còn tất cả con đường còn lại trong thành phố là đường đất, cảnh hoang sơ như trong rừng rậm, thường xuyên gặp thú hoang dã...
Nói chung, họ sống rất gần gũi với thiên nhiên, yêu thích hoang sơ. Điều đó cũng ảnh hưởng tới sở thích du lịch của người dân phương Tây, mong muốn khám phá thiên nhiên hoang sơ miền nhiệt đới. Và nếu Việt Nam không giúp họ tìm thấy những thứ ấy, chuyện tất yếu là họ sẽ bỏ đi, tìm đến những nơi khác.
Có người lo ngại rằng, nếu cứ làm du lịch theo kiểu hoang sơ như vậy thì làm sao kiếm được tiền? Tôi không nghĩ vậy, bởi để di chuyển đến điểm cần đến, khách du lịch vẫn phải đi qua nhiều đô thị, thành phố khác. Trong suốt quá trình đó, họ sẽ ăn uống, sử dụng dịch vụ, đó là lúc mà họ chi tiền để nuôi sống ngành du lịch. Nói cách khác, chúng ta không cần phải tận thu du khách tại một điểm du lịch. Điểm đến hoang sơ chỉ đơn giản là điểm nhấn, giúp thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam. Và khi chúng ta gây được ấn tượng tốt với họ, chắc chắn hình ảnh đất nước sẽ được quảng bá rộng rãi. Điều đó chẳng phải tốt hơn về lâu dài sao?
Về khía cạnh du lịch nghỉ dưỡng - thứ mà những người làm du lịch Việt vẫn đang chạy đua lúc này, thực tế, chất lượng dịch vụ của ta cũng không bằng nước họ. Chưa kể, cứ ra khỏi các khi resort là nhìn đâu cũng thấy rác, không khí ô nhiễm, không gian ồn ào, giao thông phức tạp... Vậy thử hỏi điều gì níu chân khách nước ngoài quay lại lần hai?
>> 'Du lịch Việt không thể xóa vấn nạn trong thời gian ngắn'
Gia đình người Đức mà tôi tôi quen từng đến Việt Nam du lịch lần đầu cách đây ít lâu. Thực ra, trước khi sang Việt Nam, họ đã tìm hiểu thông tin trên mạng nhưng không tìm ra được địa điểm nào hoang sơ, ít bê tông, ít ồn ào, lại có dịch vụ nghỉ qua đêm phù hợp (vì họ có con 10 tháng tuổi đi cùng). Thế là sau một đêm ngủ tại Sài Gòn, họ không chịu nổi tiếng ồn và quyết định rời đi. Cuối cùng, họ tới các khu nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng và Phú Quốc. Thế nhưng, sau chuyến đi, tôi hỏi họ có dự định quay lại Việt Nam không thì chỉ nhận được cái lắc đầu. Họ nói đã biết hết những thứ ở đây rồi nên chắc lần tới sẽ chọn một điểm đến ở nước khác.
Một người bạn khác của tôi mỗi năm từ Sài Gòn lên Đà Lạt gần chục lần như là vì họ có con học ở đây nên kết hợp lên thăm và chụp ảnh. Một người bạn khác của tôi, mỗi dịp lễ hay nghỉ hè cũng đi cùng gia đinh từ Sài Gòn tới Đà Lạt, không phải vì thích mà cơ bản cũng chẳng biết đi đâu gần gần. Và trong lòng họ đều biết những ngày này mà tới đây sẽ thế này thế kia nhưng cũng đành chấp nhận chứ "nghỉ ít ngày, chẳng biết đi đâu cho mát". Cá nhân tôi đã 12 năm chưa quay lại Đà Lạt.
Nói vậy để thấy, đúng là Đà Lạt, Sa Pa luôn trong tình trạng quá tải khách du lịch, nhất là mỗi dịp nghỉ lễ, nhưng đây chủ yếu là khách bình dân, khách sang rất ít, khách Tây lại càng ít hơn. Chúng ta thường nhìn cái quá tải nhất thời đó và tự huyễn hoặc mình rằng du lịch tại đây vẫn đang phát triển. Thế nhưng thực tế, dù đông nghẹt nhưng người ta đến đây không muốn chi tiền hoặc chi rất ít, chủ yếu có chỗ đến giết thời gian, nên du lịch vẫn cứ dậm chân tại chỗ.
Khách Việt đã vậy, người Châu Âu đến Đà Lạt, Sa Pa chắc còn phải lắc đầu nữa. Tôi thấy, nhiều điểm du lịch ở ta cho thuê trang phục của nước khác để mặc vào chụp hình, rồi tạo cảnh nhân tạo lòe loẹt của nước này, nước kia, thoạt nhìn có vẻ hay nhưng thực tế chẳng mang lại giá trị gì. Tôi về thăm quê hương, đến các điểm du lịch, chỉ muốn tìm hiểu bản sắc của người dân tại đó, chứ không phải để thấy cảnh thập cẩm này nọ. Tôi nhìn vào không hiểu đây văn hóa của ai, dân tộc nào, nói gì khách Tây.
Thành ra, mấy nơi du lịch này cứ dần bát nháo, như nồi lẩu thập cẩm. Tôi tin, chẳng ai muốn bỏ tiền ra để đến đây nhìn mấy cảnh lai tạp này cả.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.