Tôi không sinh ra ở Hội An, cũng không có một mối liên hệ ruột thịt nào, nhưng tôi lại có một tình yêu đặc biệt với mảnh đất này. Những ngày qua, rất nhiều tranh cãi nổ ra trên báo đài lẫn mạng xã hội về việc thu phí với tất cả du khách vào phố cổ Hội An. Đã nhiều lần tôi định viết cái gì đó cho Hội An, nhưng rồi lại đóng lại. Nhưng dường nỗi trăn trở vẫn còn đó nên tôi quyết định nói lên ý kiến của mình thông qua hai câu chuyện:
Dưới mái hiên di sản
Khoảng năm 2010, trong chuyến thăm làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, sau khi đi thăm quan một số di tích như Đình làng Đường Lâm, Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, Chùa Mía, tôi có ghé qua thăm một ngôi nhà cổ khá nổi tiếng. Tiếp tôi là một chú đã lớn tuổi. Chú ân cần giới thiệu cho tôi về ngôi nhà, kết cấu, kiến trúc lâu đời của nó.
Sau khi thắp nén hương trên bàn thờ gia tiên, có lẽ biết tôi đã đi bộ nhiều từ sáng, chú mời tôi ra ngoài hiên uống chén chè xanh. Trên chiếc chõng tre, ngoài ấm chè xanh mới pha, còn có lá trầu tươi, vài lát cau, lọ vôi, và vỏ rễ cây chát. Những hình ảnh ấy vừa quen mà cũng vừa lạ với tôi - một đứa vốn lớn lên ở thành phố.
Tôi kể với chú về nội tôi, bà cũng nghiện trầu cau lắm, hầu như lúc nào nội cũng tóp tép miếng trầu trong miệng. Nhưng giờ, người trẻ như chúng tôi chẳng ai ăn trầu nữa. Tôi cũng kể cho chú nghe về hàng cau trước sân nhà tôi với bụi trầu quấn quanh. Mà kể cũng lạ, có miếng trầu cau mà tôi với chú từ người lạ như thành quen, chuyện ở đâu cứ ùa về rôm rả.
Ngày xưa, ông tôi học may âu phục ở Pháp rồi về mở tiệm may ở phố Đường Thành. Chiến tranh loạn lạc, ông bán nhà về quê xây cái nhà ba gian nên kiến trúc nhà lại pha trộn thêm chút kiến trúc Pháp. Trước Tết nào cũng vậy, các cô chú tôi lại phải về góp tiền tu sửa nhà. Mà cũng lạ, có cái việc sửa nhà thôi mà năm nào cũng có chuyện lục đục. Chú bảo sửa thế này, cô lại đòi sửa thế kia, nên việc sửa nhà cứ lu bu từ đầu tháng Chạp đến hết ông Công ông Táo vẫn chưa xong.
Chú lại kể với tôi về việc sửa nhà ở đây cũng nhiêu khê lắm, nào xin cấp phép, nào xin vật liệu, rồi cả chuyện kinh phí. Đứa con lớn của chú muốn cất căn nhà mới để ra ở riêng mà cũng không được. Nhiều khi chú muốn nhà mình không phải là di sản để tiện việc sửa chữa cho bớt lo bớt nghĩ.
Sau một hồi hàn huyên, tôi xin phép chú để đi thăm Đền thờ Lăng Ngô Quyền. Tôi cũng không quên bỏ vào hòm công đức trước nhà 20 nghìn đồng để gọi là có chút tấm lòng góp việc công ích.
>> 'Bỏ ý định quay lại nếu Hội An thu phí vào phố cổ'
Chuyện học Sử của con
Hôm qua, sau bữa cơm trưa, vợ và con tôi lại lục đục chuyện gì đó. Nghe kỹ hơn câu chuyện, tôi mới biết con bị điểm kém môn Lịch sử. Mãi lâu sau, tôi mới tỉ tê hỏi: "Sao mọi khi điểm sử của con tốt lắm mà?".
- Con bé thì thầm vào tai tôi: "Bố có biết sao trước giờ điểm Sử của con được 9 không?".
- "Chắc trước con chăm hơn bây giờ chứ gì? Độ này bố thấy chơi điện thoại hơi nhiều đấy", tôi đáp.
- Con gái tôi ngắt lời: "Bố thì biết gì".
- "Ừ thì bố không biết, thế con kể cho bố nghe xem làm sao điểm Sử của con lại kém đi được không?", tôi nói.
- "Tại trước con học Lịch sử Việt Nam, mà đầu năm trường lại cho con đi Bảo tàng Lịch sử nên con mới hiểu rõ và được điểm cao đấy bố. Nhưng bây giờ, bọn con lại chuyển sang học Lịch sử nước ngoài...".
- Tôi xoa dịu con: "Ừ, thế thì kể cũng khó thật. Đến bố cũng chẳng biết nhiều về lịch sử mấy nước đấy nên không biết làm sao giúp con học giỏi Lịch sử thế giới bây giờ?". Con gái tôi bật cười bất lực.
- "Thế thôi, độ này điểm Văn của con cũng kém đi nên chiều nay bố con mình đi Bảo tàng Văn học Việt Nam nhé", tôi nói. Và con gái đáp lại tôi bằng một nụ cười rạng rỡ.
>> 'Thu phí vào phố cổ Hội An chưa xứng đáng với chất lượng dịch vụ'
Nếu ví phố cổ Hội An như một bảo tàng lịch sử sống - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của đất nước, thì việc trùng tu, bảo vệ di sản ấy cũng quan trọng như việc tu sửa ngôi nhà cổ của ông chú ở Đường Lâm mà tôi gặp. Nhưng tiếc rằng, gánh nặng chi phí trùng tu di sản lại đang không được xã hội (cụ thể là khách du lịch - những người được hưởng lợi từ đó) chung tay chia sẻ, đóng góp.
Di tích Hội An là một quần thể chứ không phải là một ngôi nhà riêng lẻ. Kinh phí để tôn tạo một ngôi nhà là khoảng bốn tỷ đồng, trong đó nhà nước chịu 70% kinh phí còn chủ nhà đóng góp 30%. Dự kiến cần 100 tỷ đồng trùng tu phố cổ Hội An giai đoạn tới, nhưng năm 2022 với lượng khách hơn một triệu người, cũng chỉ thu về số tiền 45 tỷ đồng (20% lượng khách thực tế).
Ở đây, rõ ràng, không có công bằng nào cho những người bỏ tiền ra để đóng góp cho di sản tồn tại, trong khi nhiều người không hiểu di sản của đất nước mình lại đang xài "chùa". Công bằng nào cho những công ty lữ hành đang làm ăn trung thực với những công ty làm ăn chộp giật? Nhìn rộng hơn thì tại sao tôi phải trả phí để những người trốn phí hưởng lợi?
Bạn đi nghe hát bài chòi ở Hội An có bỏ tiền ra không? Bạn có đóng góp tiền để trùng tu công trình trong di tích không? Chính thói quen du lịch giá rẻ đã khiến nhiều địa điểm trở nên xấu xí. Theo tôi, một nơi hấp dẫn, mang tầm di sản như Hội An, Đại nội Huế... nên có sự sàng lọc nhóm khách du lịch hơn là đua nhau chạy theo làm du lịch giá rẻ. Bạn muốn ăn uống có thể đến những nơi khác thay vì phải vào di sản văn hóa thế giới rồi than phiền chuyện trả phí để uống cốc cà phê hay ăn ổ bánh mỳ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.