Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết "Chục năm tới khó cấm được xe máy". Thực tế, có rất nhiều vấn đề liên quan tới bài toán giao thông đô thị như:
1. Mật độ dân số và sự phân bổ dân số.
2. Tỷ lệ đất giao thông và phân bổ theo khu vực.
3. Mật độ hành khách trên mỗi m2 lòng đường.
4. Độ hiệu quả của việc sử dụng làn đường.
5. Kích cỡ của phương tiện so với làn đường.
6. Phân bổ phương tiện trong giờ cao điểm.
7. Điều tiết giao thông khi tắc đường.
8. Chi phí vận hành phương tiện công cộng.
9. Đường dành cho người đi bộ.
10. Xử lý lấn chiếm giao thông.
11. Hiện tại và tương lai...
Tuy nhiên, mỗi vấn đề trên đều có những cách giải quyết riêng, có thể tốn kém và làm trầm trọng hơn những vấn đề khác. Vậy nên, tôi nghĩ rằng, muốn tìm ra phương án giải quyết hiệu quả nhất, chúng ta phải đánh giá được toàn diện các yếu tố với những con số thực tế.
Còn nếu không thể cân, đo, đong, đếm được lợi và hại của từng phương án, thì tốt nhất hãy dành nguồn lực để giải quyết triệt để những vấn đề đơn giản trước mắt. Nếu cứ thử hết phương án này tới phương án khác thì thử hỏi đến bao giờ chúng ta mới tới đích được?
>> 'Không thể bắt BRT chia sẻ làn riêng chỉ vì tắc đường'
Chỉ nói riêng việc xử lý lấn chiếm vỉa hè và hạn chế xe máy, tôi đã thấy nó giống như chuyện con gà và quả trứng vậy. Nếu xử lý lấn chiếm vỉa hè tốt thì việc đi xe máy sẽ mất đi một ít lợi thế (không tạt ngang, dừng đỗ xe trên đường để mua bán nữa). Ngược lại, nếu xe máy bị hạn chế thì người bán hàng ở vỉa hè sẽ ít đi vì không có nhiều khách nữa. Vậy phải dẹp vỉa hè trước hay cấm xe máy trước?
Do đó, theo tôi, nếu không dẹp được triệt để việc buôn bán vỉa hè thì tại sao chúng ta không làm triệt để ở những chỗ gây ách tắc giao thông trước? Ví dụ, lắp camera phạt nguội người tham gia giao thông dừng đỗ mua hàng chẳng hạn.
Quay trở lại với tranh cãi hạn "chế xe máy hay phát triển giao thông công cộng trước?", tôi cho rằng cách giải quyết cũng tương tự. Rất khó phát triển được giao thông công cộng khi lượng xe máy còn nhiều, nhưng cũng không thể cấm được xe máy khi giao phương tiện công cộng còn yếu và thiếu. Đây không phải chuyện có thể đo đếm được bằng con số cụ thể.
Thế nên, việc đơn giản hơn mà ta có thể làm là tập trung xử phạt vi phạm giao thông để lập lại trật tự trên đường phố, rồi từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp hệ thống giao thông công cộng. Đó sẽ là tiền đề để tiến tới việc hạn chế xe cá nhân, và khuyến khích người dân chuyển sang dùng phương tiện công cộng. Khi đó, người ta cũng chẳng phải tranh cãi nhau về câu hỏi: cấm xe máy thì đi bằng gì?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net