Nhận định trên được Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu tại Hội nghị tổng kết 17 năm thực hiện Nghị quyết 53 về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, sáng 9/7.
Theo ông Thể, giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Nhờ hệ thống hạ tầng tương đối tốt so với các khu vực khác mà thời gian qua, Đông Nam Bộ là một trong những động lực phát triển kinh tế chủ yếu của cả nước. Nhưng 20 năm qua, tốc độ phát triển giao thông ở khu vực này rất chậm. Do đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực ngày càng chậm lại.
Trong đó, TP HCM - trung tâm của vùng và là đô thị lớn nhất nước nhưng tất cả cửa ngõ đều ách tắc. Thành phố chưa đột phá được đường cao tốc kết nối trung tâm thành phố với các nơi. Khu vực nội đô cũng ùn tắc nghiêm trọng. "Nếu tình hình này không cải thiện, chắc chắn TP HCM sẽ là đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam, và có thể ở cả khu vực Đông Nam Á", ông Thể nói và cho rằng phát triển hệ thống giao thông trục chính, vành đai là việc cấp thiết của thành phố hiện nay.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong hạ tầng của Đông Nam Bộ khiến nơi đây có hệ thống cảng biển rất tốt nhưng hiệu quả khai thác chưa như mong muốn. Cụ thể, Cát Lái là cảng container tốt nhất khu vực nhưng đường ra vào luôn tắc nghẽn, nhất là giờ cao điểm. Tương tự, đường lên xuống cảng Cái Mép - Thị Vải nhưng quốc lộ 51 đang quá tải, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu chưa thực hiện được.
Về đường bộ, Vành đai 2 TP HCM có vai trò rất quan trọng nhưng đến nay chưa khép kín. Vành đai 3 vừa được Quốc hội bố trí gần 80.000 tỷ để thực hiện. Vành đai 4 còn trong quá trình nghiên cứu. Cao tốc kết nối TP HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các địa phương khác như tuyến đi Trung Lương - Mỹ Thuận đang ùn tắc, sắp tới phải mở rộng; tuyến Long Thành - Dầu Giây mới đưa vào khai thác đã quá tải.
Về hàng không, sân bay Tân Sơn Nhất liên tục quá tải. Đường sắt cũng lạc hậu. Đường thuỷ nội địa tương đối tốt nhưng nhiều cầu thấp nên không vận chuyển được container. "Đầu tư cho giao thông Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang là vấn đề rất cấp bách", ông Thể nói.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng thời gian tới cần tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông ở Đông Nam Bộ. Nếu không, đầu tàu sẽ chậm dần và có thể trở thành gánh nặng của nền kinh tế cả nước. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã tham mưu bố trí khoảng 120.000 tỷ đồng để triển khai một số dự án lớn. Thủ tướng đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia làm một số tuyến cao tốc theo hình thức PPP (đối tác công - tư).
Ông Thể đề nghị thành phố cố gắng khép kín tuyến Vành đai 2 và phối hợp các địa phương lân cận để hoàn thành 98 km Vành đai 3 trong 4 năm tới. Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đến 2025 cũng phải xong. Còn cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được Bộ Chính trị và Quốc hội tháo gỡ vướng mắc, dự kiến sẽ sớm hoàn thành.
Một số tuyến cao tốc cũng được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đề nghị ưu tiên triển khai là TP HCM đi Mộc Bài (Tây Ninh), Chơn Thành (Bình Phước); mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành, nâng cấp cao tốc TP HCM - Trung Lương. Riêng sân bay Tân Sơn Nhất, ông Thể đề nghị TP HCM phối hợp Bộ Quốc phòng để nâng cấp, đảm bảo phục vụ 50 triệu hành khách mỗi năm.
Về cảng biển, Bộ trưởng đề nghị TP HCM và các địa phương tập trung nguồn lực để khơi thông nhằm hình thành đường chuyên dụng, cao tốc để khai thác cảng biển. "Hoạt động cảng biển tốt mới khai thác kinh tế được", ông nói và đề nghị Trung ương, địa phương hợp lực đẩy mạnh xã hội hoá, từng bước giải quyết ách tắc giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.
Sau phát biểu của tư lệnh ngành giao thông vận tải, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ sự vui mừng và cho biết chiều nay, Thủ tướng sẽ chủ trì phiên họp giải quyết các vấn đề tại sân bay Tân Sơn Nhất để đẩy nhanh tiến độ nâng cấp. "Tôi nói vui với anh em ở sân bay là sắp xếp sao mà máy bay có Thủ tướng và Bộ trưởng Giao thông Vận tải bay trên cao cho lâu chút để các lãnh đạo hiểu được khó khăn ở đây", ông nói.
Trước đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 53, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đạt được nhiều thành tựu, dần trở thành "bệ đỡ" cho phát triển vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Nam và cả nước.
Tuy nhiên theo ông Dũng, Đông Nam Bộ còn nhiều tồn tại bất cập như: công nghiệp phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững, đồng bộ; các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu và yếu; giao thông quá tải tắc nghẽn; ngập úng thường xuyên; ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 địa phương: TP HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang với gần 22 triệu dân, chiếm 9,2% diện tích, đóng góp 35% GDP, 46,1% tổng thu ngân sách, 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Thu Hằng