Đọc các bài viết xung quanh đề xuất cho phương tiện khác đi vào làn BRT, Tôi thấy thật buồn cười khi có người biện minh rằng "xe máy, ôtô lấn làn BRT cũng chẳng ảnh hưởng gì vì vẫn đi cùng chiều". Hãy thử hình dung bạn sẽ đi nhanh hơn trên đường vắng hay đường đầy xe? Nếu cơ bản không ảnh hưởng thì tại sao lại lấn làn từ ban đầu? Nếu đi cùng chiều, không ảnh hưởng, thì sao không đi chung làn với những xe cá nhân khác mà phải lấn vào "đường vắng" của BRT?
Tôi cho rằng, lý do BRT không thể trở thành một phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân, đơn giản là vì nó không phải là vai trò của nó. BRT nằm trong một khối hệ thống giao thông công cộng, bao gồm xe buýt, BRT, Metro, MRT, xe lửa, LRT, xe điện, máy bay... Tức là BRT phải có kết nối với các loại hình giao thông công cộng khác để cùng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Còn nếu tách riêng ra, nó sẽ không thể phát huy được giá trị.
Có ý kiến lại cho rằng, xây dựng BRT trên tuyến đường nhỏ, chỉ có ba làn là một sai lầm. Vậy không lẽ cứ phải đường tám tới mười làn mới phát huy được hiệu quả của BRT? Tôi nghĩ rằng, làm như vậy lại càng kém hiệu quả vì khi đường đủ rộng, người ta sẽ càng thích đi xe cá nhân hơn BRT, từ đó làm giảm lượng người di chuyển bằng phương tiện công cộng.
>> 'Chục năm tới khó cấm được xe máy'
Ở đây, chúng ta phải nhìn thẳng vào một thực tế rằng, đường ba làn đã ùn tắc, nay lại phải nhường thêm một làn riêng cho BRT thì những làn còn lại sẽ càng tắc. Nhưng ở một khía cạnh khác, nếu mỗi phương tiện cá nhân chỉ phục vụ một cá nhân, thì một xe buýt nhanh BRT chở được cả chục người. Như vậy, hai làn hỗn hợp ùn tắc chưa chắc đã bằng số lượng người trên xe BRT của một làn còn lại. Nếu như mọi người rời xe máy, ôtô mà lên xe BRT, thì sẽ đỡ tắc cho cả những người đi xe riêng, và người đi xe BRT vẫn sẽ đến được đích một cách nhanh chóng.
Tại sao lại phải bỏ BRT? Hiện thực trước mắt sao bằng tương lai lâu dài. Sự xuất hiện của BRT khiến tắc đường gia tăng đó là vì mới chỉ có một tuyến, kết nối chưa tốt, nên vẫn còn ít người bỏ xe cá nhân đi xe buýt nhanh. Khi đó, vẫn còn nhiều xe máy, ôtô trên đường, trong khi BRT trống nhiều chỗ, tắc đường là điều khó tránh. Nhưng về lâu dài, khi càng có nhiều tuyến BRT, thì số lượng xe cá nhân di chuyển trên đường sẽ càng ngày càng ít đi. Tắc đường nhờ đó cũng sẽ được giải quyết. Thế nên, thay vì phản đối, đòi bỏ, việc chúng ta cần làm là chủ động tìm giải pháp tăng số lượng người đi BRT.
Ở các nước phát triển, BRT kết nối tốt với nhiều tuyến. Trình độ dân trí của họ cũng cao hơn, biết làn đường của BRT thì không đi lấn vào dù với bất cứ lý do gì. Thế nên, dù họ chỉ có đường hai làn thôi, nhưng vẫn dùng một làn riêng cho BRT mà chẳng hề thất bại hay phiền toái gì. Tóm lại, không thể cứ lấy lý do làn đường BRT bỏ không rất phí phạm, phản cảm, mà tự cho mình cái quyền được đi lấn vào cho nhanh. Tư tưởng đó chỉ càng cho thấy bạn kém văn minh hơn mà thôi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net