Tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội (Kim Mã - Yên Nghĩa) đã trải qua sáu năm đi vào hoạt động, dự án này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng ở cả ba tiêu chí: cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm; làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng; thúc đẩy người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng.
Chưa thu hút được người dân, không thúc đẩy giao thông công cộng, không giảm ùn tắc, BRT trở thành "cái gai" trong mắt nhiều người, xoáy sâu thêm vào nỗi bức xúc từ lâu với tình trạng giao thông vốn đã báo động của Hà Nội. Thậm chí, đã có nhiều hơn những sự hoài nghi trước việc dự án này có phải một bước đầu tư sai lầm, có nên bị xóa bỏ thay vì cứ để tồn tại lay lắt?
Cá nhân tôi lại cho rằng, việc thành phố chủ trương mở tuyến buýt nhanh BRT hoàn toàn không sai. Thực tế, đây còn là một hướng phát triển đúng đắn để đưa giao thông công cộng lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, theo tôi, cái sai ở đây lại là cái cách mà người ta triển khai dự án này, cụ thể ở mấy điểm sau:
1. Mở buýt nhanh BRT tại tuyến đường hướng tâm quan trọng, với mặt cắt hẹp, và rất nhiều nhà cao tầng vây quanh. Tôi cho rằng, đây mới là nguyên nhân chính gây ra sự bức xúc của người dân với BRT trong suốt những năm qua. Nói một cách khác, việc lựa chọn địa điểm mở tuyến buýt nhanh BRT hoàn toàn không phù hợp.
Tại sao chúng ta không đặt BRT ở những tuyến đường có mặt cắt rộng hơn như Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh...? Nếu làm vậy, tôi tin tình hình giao thông sẽ không tệ như tuyến Lê Văn Lương bây giờ .
>> BRT thất bại cay đắng vì xe máy, ôtô chạy bát nháo
2. Chế tài xử phạt đối với các hành vi lấn làn của BRT chưa đủ răn đe. Theo dõi thực tế, có thể dễ dàng nhận ra xe máy, thậm chí cả ôtô, xe đạp cũng đua nhau đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh như chỗ không người. Nhiều người tham gia giao thông mặc nhiên cọi đây như một làn đường bình thường để lưu thông. Đáng chú ý, vào các khung giờ cao điểm, ôtô lại lấn hết toàn bộ đường, khiến người đi xe máy chỉ còn mỗi làn BRT để đi.
Do đó, theo tôi, mấu chốt ở đây là cần đảm bảo sự độc quyền của BRT trên làn này, trong những khung giờ mà xe hoạt động. Nhưng tất nhiên, để làm được điều đó, chúng ta phải có một mặt cắt rộng rãi, chứ không phải như đường Lê Văn Lương bây giờ.
3. Kết nối kém, thiếu bãi gửi xe. Người dùng BRT hiện nay chủ yếu là người có điểm đi - đến nằm trên trục đường hoạt động của xe, hoặc người vốn phải di chuyển toàn bộ quãng đường bằng xe buýt, taxi, xe ôm... Còn với những người muốn đến một điểm nào đó trên trục BRT, họ sẽ không thể vì không có kết nối với các chặng buýt thường, cũng không có điểm gửi xe để họ chuyển sang đi xe cá nhân...
Vì thế, tôi cho rằng, cần quy hoạch thêm các điểm gửi xe tại các trạm dừng BRT, đồng thời đẩy nhanh kết nối BRT với xe buýt thường, tàu điện, xe đạp công cộng... để tăng hiệu năng, giúp người dân dễ dàng đi đến nơi mình mong muốn.
Trong đó, quan trọng nhất ở đây vẫn là yếu tố vị trí đặt tuyến BRT và khả năng kết nối rộng khắp. Chỉ có làm được vậy, BRT mới phát huy được hết những thế mạnh và giá trị vốn có. Hy vọng các Bộ ban ngành hãy cần cân nhắc thật kỹ những hạn chế, bất cập của tuyến buýt nhanh BRT 01, từ đó rút kinh nghiệm và khắc phục ở các tuyến sau này, tránh để bị "ném đá" như hiện tại. Nên nhớ, một "ngôi sao cô đơn" sao có thể thắp sáng được cả một bầu trời đêm?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.