"Ước tính số bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc thụ động trong năm 2023 tăng 10-15% so với năm trước", TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nói. Xu hướng này tương đồng nhiều nước trên thế giới.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ ung thư phổi ở người không hút thuốc đang gia tăng. Nghiên cứu của Thụy Điển với 2.170 bệnh nhân ung thư phổi năm 2008-2017 cho thấy tần suất người không bao giờ hút thuốc hàng năm tăng hơn gấp đôi trong 7 năm, phần lớn có triệu chứng không rõ ràng và phát hiện tình cờ. Nghiên cứu khác của Mỹ trên hơn 10.500 bệnh nhân ung thư phổi trong 23 năm cũng cho thấy người bệnh ung thư phổi chưa từng hút thuốc tăng qua từng năm.
Tại Việt Nam, theo tiến sĩ Khiêm, ung thư phổi ở người không hút thuốc chủ yếu xảy ra ở nữ, đa phần là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó, 15-35% trường hợp là do tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ung thư phổi. Nhưng hít khói thuốc lá, còn gọi là hút thuốc thụ động, cũng có nguy cơ gây ung thư phổi, tương đương với trực tiếp hút thuốc.
Ngoài khói thuốc lá, một số yếu tố nguy cơ gây phát triển ung thư phổi ở người không hút thuốc gồm tuổi tác, yếu tố di truyền, khói nấu ăn, ô nhiễm môi trường, bệnh phổi tiềm ẩn, virus gây ung thư...
Lý giải số bệnh nhân ung thư phổi bệnh viện Tâm Anh Hà Nội tiếp nhận ngày càng tăng, tiến sĩ Khiêm cho rằng nguyên nhân là tình trạng sử dụng thuốc lá và hút thuốc nơi công cộng còn cao khiến nhiều người hút thuốc thụ động. Chưa kể ô nhiễm không khí ngày càng tăng, nhất là khí thải từ phương tiện giao thông.
"Bụi mịn diễn biến phức tạp những năm gần đây làm suy giảm chức năng phổi, góp phần tăng nguy cơ ung thư phổi", tiến sĩ Khiêm nói, thêm rằng vì không bao giờ hút thuốc nên người bệnh chủ quan, khi có triệu chứng ít nghĩ đến ung thư phổi để tầm soát, dẫn đến phát hiện muộn.
Đơn cử bà Liên, 56 tuổi, đau tức ngực, ho lâu không khỏi, đi khám tại bệnh viện Tâm Anh phát hiện u phổi đường kính 51x49x35 mm. Kết quả sinh thiết khối u cho thấy ung thư biểu mô tuyến có đột biến gene EGFR L585R exon 21. Bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư phổi ở giai đoạn muộn, di căn sang phổi đối bên và gan. Sau điều trị bằng thuốc, hiện, sức khỏe của bà Liên ổn định.
Bà Liên cho biết gia đình không có ai mắc ung thư phổi. Tuy nhiên chồng bà nghiện thuốc lá nặng, mỗi ngày hút 1-2 bao thuốc, thường xuyên hút trong nhà dù bà và con cháu nhắc nhở nhiều lần.
Tương tự, chị Nữ, 37 tuổi, phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm (IIA). Chị không hút thuốc lá, nhưng chồng và bố chồng thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào. Bà được bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi bên có khối u, kết hợp điều trị hóa chất để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật, làm giảm tỷ lệ tái phát và di căn.
Để phòng bệnh, tiến sĩ Khiêm khuyến cáo không sử dụng thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lào. Người hút thuốc không hút trong nhà hoặc khi ở gần trẻ nhỏ, phụ nữ, người cao tuổi. Các chất độc trong khói thuốc lá bám rất lâu trên tường, nội thất, quần áo. Gia đình có người hút thuốc lá nên thường xuyên mở cửa để lưu thông không khí, giặt chăn, ga, gối, rèm cửa, thảm để loại bỏ mùi khói thuốc.
Khi một người trong nhà mắc ung thư phổi liên quan đến thuốc lá, những người sống cùng cũng nên tầm soát bệnh này bằng chụp cắt lớp vi tính (CT) liều thấp. Phương pháp này sử dụng liều tia X rất nhỏ, gần bằng một vài lần chụp X-quang, nhưng có thể phát hiện được các tổn thương giai đoạn sớm kích thước dưới 1 cm mà X-quang không ghi nhận được.
Globocan 2022 ghi nhận ung thư phổi có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao nhất trong các loại bệnh ung thư. Giai đoạn sớm bệnh hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác. Khi bệnh muộn, các triệu chứng thường gặp gồm ho kéo dài, nặng lên theo thời gian, ho ra máu, đau ngực, khó thở, sụt cân, mệt mỏi, khó nuốt...
"Khám sức khỏe định kỳ và đánh giá nguy cơ giúp phát hiện ung thư phổi giai đoạn rất sớm, tăng cơ hội điều trị khỏi bệnh, ít biến chứng với chi phí tối thiểu", tiến sĩ Khiêm nói.
Hoài Phạm
20h ngày 23/4, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến: "Ung thư phổi: Phát hiện rất sớm để điều trị hiệu quả" phát trên fanpage VnExpress. Chương trình có các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tham gia gồm TTƯT.PGS.TS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp; TTƯT.PGS.TS Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp; TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu. Độc giả gửi câu hỏi để được tư vấn tại đây. |