Ung thư phổi là tình trạng các tế bào trong phổi thay đổi, phát triển ngoài tầm kiểm soát. Chúng nhân lên tạo thành khối u và có thể lan sang bộ phận khác của cơ thể.
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thành Đô, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu đặc trưng. Những cơn ho húng hắng kéo dài dễ nhầm lẫn với bệnh đường hô hấp thông thường. Hầu hết trường hợp đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Lúc này, người bệnh có thể ho ra đờm lẫn máu, ho kéo dài, gầy sút cân, khó nuốt, khàn giọng, nổi hạch, đau ngực, khó thở.
Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, tỷ lệ khỏi ung thư phổi và cơ hội sống sau 5 năm lên đến hơn 90%. Tuy nhiên ở giai đoạn 4, tỷ lệ sống giảm còn 10-20%. Do vậy, khám và tầm soát sức khỏe định kỳ quan trọng. Nhóm người dưới đây có yếu tố nguy cơ cao.
Hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà
Hút thuốc chủ động hay thụ động đều có thể gây ung thư phổi. Một điếu thuốc lá thông thường chứa khoảng 600 thành phần. Khi đốt cháy, chúng giải phóng hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có ít nhất 69 chất độc có khả năng gây ung thư. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, người hút thuốc có khả năng mắc bệnh cao gấp 15-30 lần so với người không hút. Nguy cơ ung thư phổi tỷ lệ thuận với thời gian, số lượng thuốc lá đã hút. Người tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên cũng có nguy cơ cao.
Khói thuốc lá làm phế nang mất tính đàn hồi, giảm dung tích phổi. Nicotine gây tê liệt lông mao khiến chất nhầy, chất độc tích tụ trong phổi dẫn đến tắc nghẽn phổi. Hóa chất này cũng gây độc tế bào, thúc đẩy tế bào ác tính phát triển, đồng thời giảm cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại bệnh ung thư và giảm hiệu quả điều trị.
Một số người cho rằng hút thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá, giảm nguy cơ ung thư phổi. Tuy nhiên theo bác sĩ Thành Đô, đây là quan niệm sai lầm. Thuốc lá điện tử vẫn chứa chất gây nghiện nicotine, hạt bụi siêu mịn, kim loại nặng; hóa chất tạo mùi; dung dịch tạo khói chứa propylene glycol và glycerin. Khi đốt cháy, chúng giải phóng hợp chất formaldehyde, acetaldehyde, acrolein có thể suy giảm chức năng phổi, đột biến gene. Loại thuốc lá này cũng chứa acrolein thường được dùng làm chất diệt cỏ dại.
Tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm và hóa chất độc hại
Thường xuyên làm việc, sinh hoạt trong môi trường không khí ô nhiễm có thể dẫn đến ung thư phổi bởi khí phóng xạ radon, các hạt bụi mịn. Randon tồn tại trong tự nhiên, xâm nhập vào tòa nhà thông qua những vết nứt nhỏ trên nền móng. Người vừa hút thuốc lá vừa tiếp xúc với khí radon có nguy cơ mắc bệnh cao.
Người hít phải chất độc hại như silic, amiăng, thạch tín, cadimi, crom, niken, uranium... trong thời gian dài có thể bị xơ phổi. Nếu tình trạng xơ hóa tiến triển, nguy cơ mắc khối u ác tính tăng gấp 7 lần.
Tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh
Theo bác sĩ Thành Đô, khoảng 8% trường hợp ung thư phổi có liên quan đến yếu tố di truyền. Người có cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con ung thư phổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khoảng 1,5 lần so với người không có tiền sử gia đình. Điều này đúng cho cả người hút thuốc và không hút thuốc.
Một số gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh nhưng không bắt nguồn từ gene di truyền mà do cùng có lối sống không lành mạnh như nghiện thuốc lá hoặc cùng tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.
Từng xạ trị vùng ngực
Người từng trải qua quá trình xạ trị vùng ngực vì một loại ung thư khác có khả năng phát triển thành u ác tính ở hệ hô hấp. Nhóm người này cần lên kế hoạch khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
Ngoài khai thác yếu tố nguy cơ, triệu chứng, khối ung thư phổi có thể được phát hiện qua phương pháp chẩn đoán hình ảnh chụp X-quang, CT, PET. Khi cần lấy mẫu sinh thiết, bác sĩ chỉ định nội soi phế quản, nội soi trung thất hoặc sinh thiết u phổi xuyên thành ngực.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hệ thống chụp CT 768 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo có khả năng phát hiện nốt phổi bất thường kích thước nhỏ 2-3 mm. Đây là kỹ thuật tầm soát ung thư phổi không xâm lấn, sử dụng tia X liều thấp, bác sĩ quan sát tối đa hình ảnh phổi theo nhiều hướng, không bị chồng lấp bởi cơ quan khác trong lồng ngực như chụp X-quang thông thường.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |