Loãng xương là tình trạng giảm mật độ khoáng chất trong xương, khiến xương giòn, dễ gãy. Các bệnh tự miễn và một số thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến có thể làm tăng nguy cơ loãng xương. Những yếu tố nguy cơ khác như lối sống ít vận động, không tập thể dục, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá.
Loãng xương ở phụ nữ thường xảy ra do suy giảm hormone theo tuổi tác. Nữ giới bị mất mật độ khoáng chất trong xương nhanh hơn nam giới cho đến năm 65 tuổi. Lúc này cả hai giới bắt đầu mất xương với tốc độ gần như nhau.
Canxi chủ yếu được lưu trữ trong xương và răng. Cơ thể cần canxi để xương, răng chắc khỏe, đồng thời hỗ trợ tim, cơ và dây thần kinh. Bổ sung canxi tùy theo độ tuổi, giới tính, bệnh lý.... giúp giảm mật độ khoáng chất trong xương, ngăn ngừa loãng xương. Quỹ Sức khỏe Xương và Loãng xương (BHOF) Mỹ khuyến nghị mức canxi hằng ngày cho nữ giới dưới 50 tuổi khoảng 1.000 miligam (mg), trên 50 tuổi là 1.200 mg, còn nam giới dưới 70 tuổi và trên độ tuổi này lần lượt là 1.000 mg, 1.200 mg.
Theo BHOF, thực phẩm là nguồn bổ sung canxi hàng đầu, đảm bảo cơ thể hấp thụ đủ mà không quá nhiều. Chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, hầu hết mọi người có thể đạt được mục tiêu hàng ngày mà không cần dùng sản phẩm bổ sung.
Người bị loãng xương có thể tăng lượng thực phẩm giàu canxi trong bữa ăn như các sản phẩm từ sữa, rau lá xanh, hạnh nhân, sản phẩm từ đậu nành, bánh mì và ngũ cốc tăng cường. Ví dụ, một khẩu phần 200 g sữa chua nguyên chất cung cấp khoảng 400 mg canxi, 85 g cá hồi đóng hộp có xương có khoảng 200 mg canxi.
Người bị loãng xương nên bổ sung canxi cùng vitamin D để cơ thể hấp thụ tốt hơn. Người lớn dưới 50 tuổi thường cần 400-800 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày, người trên 50 tuổi nên có khoảng 800-1.000 IU mỗi ngày.
Tiến sĩ Donald Miller, Đại học bang North Dakota, Mỹ, lưu ý bổ sung canxi qua thực phẩm chức năng có thể gây dư thừa canxi, hại thận và giảm khả năng hấp thụ các khoáng chất khác như sắt, kẽm và magiê.
Lượng canxi cao trong thực phẩm chức năng cũng có thể gây ra các vấn đề tim mạch do làm tăng đột biến nồng độ canxi trong máu. Các tác dụng phụ tiềm ẩn khác như đi tiểu nhiều, loạn nhịp tim, buồn nôn, táo bón, mệt mỏi. Với người bị loãng xương hoặc mắc bệnh viêm khớp, lợi ích bổ sung canxi có thể lớn hơn nguy cơ tim mạch tiềm ẩn. Mọi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng canxi và vitamin D phù hợp thể trạng.
Anh Ngọc (Theo Medical News Today)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |