Thay khớp gối là kỹ thuật tái tạo bề mặt khớp gối, thay thế các phần đầu xương đã bị hư hỏng bằng vật liệu nhân tạo. Từ đó giúp bảo vệ và tránh tình trạng các đầu xương ma sát trực tiếp vào nhau khi di chuyển, hạn chế tối đa đau đớn cho người bệnh, đồng thời sửa chữa các biến dạng của khớp, trục chi. Sau khi phẫu thuật thay khớp gối, người bệnh không chỉ khôi phục khả năng vận động mà còn có thể tham gia gần như tất cả các thể thao như bóng đá, chạy bộ, bơi lội...
ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, phẫu thuật thay khớp gối thường được chỉ định trong các trường hợp như:
Đau nghiêm trọng, khiến người bệnh suy giảm khả năng vận động, đi lại do khớp gối bị hao mòn. Đau khớp gối kéo dài, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và giấc ngủ.
Chân bị biến dạng nhiều, ảnh hưởng đến chức năng và trục chi, dù người bệnh không cảm thấy đau cũng có thể được chỉ định thay khớp gối.
Sụn khớp bị tổn thương quá nặng do các bệnh lý như thoái hóa khớp gối, dính khớp gối, viêm khớp gối dạng thấp, chấn thương làm sụn gối bị tổn thương... Những phương pháp điều trị nội khoa không còn hiệu quả.
Mắc các bệnh lý khác có khả tác động đến khớp gối như bệnh rối loạn đông máu, bệnh gout, rối loạn khiến xương phát triển bất thường, hoại tử vô mạch đầu gối, chấn thương đầu gối, biến dạng khớp gối, gây đau và mất sụn.
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương mà người bệnh sẽ được chỉ định thay khớp gối bán phần hoặc toàn phần. Trong đó, thay khớp gối bán phần là sự lựa chọn thích hợp cho khớp gối không bị hư hại hoàn toàn. Bác sĩ sẽ chỉ thay thế những phần khớp gối bị hư hại bằng vật liệu nhân tạo, bảo tồn phần khớp gối còn khỏe mạnh. Phương pháp này thường nhẹ nhàng hơn so với thay khớp gối toàn phần, ít mất máu hơn, thời gian phục hồi sau thay khớp gối cũng ngắn hơn.
Thay khớp gối toàn phần được xem là giải pháp điều trị cuối cùng, hiệu quả cao với những người bệnh thoái hóa khớp gối nặng. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được cải thiện triệu chứng đau, khắc phục các biến dạng khớp, tránh nguy cơ tàn tật vĩnh viễn.
Bác sĩ Khoa Học chia sẻ thêm, sau khi phẫu thuật thay khớp gối, người bệnh sẽ bước vào giai đoạn tiếp theo của quá trình điều trị là tập vật lý trị liệu. Việc tập luyện sớm có tác dụng giảm nguy cơ hình thành huyết khối, tăng cường sức mạnh cơ vùng gối, giúp người bệnh có thể đi lại dễ dàng hơn, giảm nguy cơ té ngã và đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Trong sinh hoạt hàng ngày, dù có thể thực hiện các động tác ngồi xổm, gấp gối sâu... mà không có cảm giác đau đớn, người bệnh cần tránh các tư thế này để bảo vệ khớp gối. Ngoài ra, để giúp vết thương mau lành, người bệnh nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ, vì tình trạng táo bón có thể xuất hiện do tác dụng phụ của thuốc giảm đau hoặc do ít hoạt động sau khi mổ.
Đây là thủ thuật ngoại khoa phổ biến, được áp dụng tại nhiều bệnh viện chuyên khoa cơ xương khớp nhưng để giảm thiểu rủi ro hậu phẫu, người bệnh nên lựa chọn phẫu thuật tại các bệnh viện lớn và uy tín, có đầy đủ thiết bị và đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Phi Hồng