Namgung Jin rất lo lắng khi sắp phải lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự vào ngày 5/3. Cậu sẽ phải mặc quân phục trong hai năm, thực hiện nhiệm vụ ở khu vực biên giới xa xôi, bởi hai miền bán đảo Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, theo AFP.
Nhưng ngày nhập ngũ của chàng sinh viên 19 tuổi này sẽ diễn ra chưa đầy một tuần sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội, nơi nhiều nhà phân tích cho rằng một tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên nhiều khả năng sẽ được hai lãnh đạo đưa ra.
Trong hội nghị thượng đỉnh lần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến thảo luận với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un những biện pháp thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và đảm bảo hòa bình trên bán đảo. Nếu hội nghị kết thúc bằng một tuyên bố chấm dứt chiến tranh, những thanh niên như Namgung cho rằng chế độ nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc sẽ không còn cần thiết nữa.
Vì cuộc chiến tranh 1950-1953 mới chỉ kết thúc bằng hiệp định ngừng bắn, không phải hiệp ước hòa bình, tất cả nam thanh niên Hàn Quốc sẽ phải nhập ngũ, phục vụ ở những tiền đồn xa xôi dọc biên giới được vũ trang hạng nặng. Với những người trẻ tuổi như Namgung, hai năm thực hiện nghĩa vụ là quá lâu.
"Tôi chắc chắn không muốn thực hiện nghĩa vụ quân sự nếu được lựa chọn", Namgung nói. Cậu gọi quãng thời gian này là "sự lãng phí tuổi trẻ" có thể khiến cậu mất cơ hội tìm việc làm trong một xã hội siêu cạnh tranh như Hàn Quốc.
"Tôi chưa bao giờ coi Triều Tiên là kẻ thù", Namgung, sinh viên đang học ngành khoa học máy tính ở Seoul nói. "Tôi không có những cảm xúc tiêu cực với họ. Tôi chỉ nghĩ rằng cuộc sống của người dân ở đó chắc phải rất khó khăn".
Giống Namgung, Han Sang-kyu cũng không có thái độ thù địch với Triều Tiên. Han năm nay 18 tuổi, sẽ bắt đầu nghĩa vụ quân sự vào năm tới. "Tôi luôn coi người Triều Tiên và người Hàn Quốc là một. Tôi hy vọng hai đất nước sẽ có ngày thống nhất", Han bày tỏ.
Nhưng Kim Dong-yup, nhà phân tích ở đại học Kyungnam, cho biết còn quá sớm để bàn về việc bãi bỏ nghĩa vụ quân sự và có lẽ sẽ mất nhiều thời gian để đất nước chuyển sang hệ thống tuyển binh tình nguyện nếu việc hòa giải với Triều Tiên có tiến triển.
"Triều Tiên không phải mối đe dọa an ninh duy nhất với bán đảo Triều Tiên", Kim nói, nhắc tới những quốc gia láng giềng khác và các thảm họa môi trường cũng được coi là nguy cơ tiềm ẩn.
Một số thanh niên Hàn Quốc đã làm nhiều biện pháp cực đoan để trốn nghĩa vụ quân sự, chẳng hạn như 12 sinh viên ngành âm nhạc từng tìm cách tăng cân trước khi kiểm tra sức khỏe, với hy vọng bác sĩ kết luận quá cân, không đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ quân sự. Có người đi nhổ răng, thậm chí tự làm gãy xương để không phải nhập ngũ.
Song thất vọng vì kết quả kiểm tra y tế hồi đầu tháng. Cậu được xếp hạng cao nhất, nghĩa là chắc chắn phải phục vụ trong lực lượng vũ trang. "Tôi bị bệnh ngoài da mãn tính, vì vậy tôi hy vọng không phải hoạt động thể chất nhiều, chẳng hạn như làm việc trong cơ quan chính phủ", Song nói.
Cậu rất sợ vào quân ngũ bởi nhiều chuyện đã xảy ra với lính nghĩa vụ Hàn Quốc, như vụ một người bị thương nặng năm 2016 khi dẫm phải quả mìn sót lại từ thời chiến tranh. "Nếu được phục vụ ở chính quyền địa phương, ít nhất tôi không phải lo lắng về chuyện mất chân", Song bày tỏ.