
Kim Sang-heon hình thành thói quen đắp mặt nạ sau khi nhập ngũ. Ảnh: WSJ.
Trước khi lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, Kim Sang-heon cứ tưởng chăm sóc da chỉ cần một thanh xà phòng là đủ. Nhưng Kim đã thay đổi quan điểm sau hai năm quân ngũ, theo Wall Street Journal.
"Tôi cố gắng tối nào cũng đắp mặt nạ", Kim, 28 tuổi, hiện làm việc tại một văn phòng ở Seoul, nói. "Đây là thói quen hàng ngày hình thành từ khi tôi đi nghĩa vụ quân sự".
Hàn Quốc là một nước lớn trong ngành công nghiệp làm đẹp toàn cầu, với những thần tượng K-pop được chăm chút sắc đẹp từng ly từng tý trở thành ngôi sao quốc tế. Đối với nhiều nam thanh niên Hàn Quốc, cánh cửa đến với huyết thanh dưỡng da và quy trình chăm sóc 10 bước là thời điểm họ bước vào quân ngũ.
Kim đã hình thành thói quen chăm sóc da khi đóng quân tại một trạm quan sát dọc hàng rào thép gai khu Phi quân sự liên Triều (DMZ).
"Tôi thường rửa mặt bằng sữa tạo bọt và độ ẩm, sau đó dùng nước hoa hồng và cuối cùng là đắp mặt nạ dưa chuột hoặc kem chiết xuất từ chất nhầy ốc sên", Kim nói.
Bị ngăn cách với môi trường đô thị Hàn Quốc trong doanh trại quân đội biệt lập, cách Triều Tiên chỉ vài km, Kim dành thời gian rảnh để nghiên cứu các tạp chí dạy làm đẹp. Vốn có làn da dầu, anh thường tích trữ các sản phẩm như nước hoa hồng trà xanh trong kho quân nhu.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thời gian trung bình đàn ông Hàn Quốc dành cho chăm sóc da nhiều gấp đôi đàn ông nước khác. Họ cũng sử dụng trung bình 13,3 loại mỹ phẩm mỗi tháng, theo thống kê của Cục Thực phẩm và An toàn Dược phẩm Hàn Quốc.
Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc vẫn còn trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên sau cuộc chiến 1950-1953. Vì thế, mọi nam thanh niên trưởng thành ở Hàn Quốc đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự ít nhất hai năm. Tập trận trong ánh mặt trời thiêu đốt không hề tốt cho da dẻ, nên nhu cầu sử dụng các sản phẩm chăm sóc da của cánh mày râu Hàn Quốc rất cao.

Nghệ sĩ trang điểm hướng dẫn cách sử dụng mỹ phẩm cho quân đội Hàn Quốc năm ngoái. Ảnh: Amorepacific.
Các công ty mỹ phẩm lớn nhất Hàn Quốc đã ý thức được điều này. Họ tung ra nhiều loại sản phẩm làm sạch dạng bọt dành riêng cho quân nhân, giới thiệu đó là bộ "mỹ phẩm cho doanh trại" đảm bảo binh lính được trang bị các dưỡng chất chăm sóc da cần thiết.
Một cuộc thăm dò do nhật báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thực hiện năm nay cho thấy hai sản phẩm thông dụng nhất trong kho quân nhu là kem chiết xuất từ chất nhầy ốc sên và kem dưỡng ẩm.
"Mỗi lần hoàn tất nhiệm vụ và quay về doanh trại, họ sẽ lập tức rửa mặt và đắp mặt nạ", một sĩ quan đóng quân tại thành phố cảng Gangneung cho biết. " Lính nghĩa vụ phải phơi nắng nhiều giờ ngoài trời, nên họ cố gắng chăm sóc da nhiều nhất có thể".
Các thương hiệu Hàn Quốc đã đưa thị trường chăm sóc da toàn cầu vào cơn bão. 4 trong số 10 thương hiệu chăm sóc da tăng trưởng nhanh nhất trong bốn năm qua là của Hàn Quốc, theo Euromonitor.
Giống như nhiều thanh niên Hàn Quốc nhập ngũ ngay khi tốt nghiệp trung học hoặc đại học, Dino Ha không mấy quan tâm đến sản phẩm làm đẹp tới khi nhập ngũ năm 2004.
Nhưng với thời gian tắm rửa ngắn ngủi 4 phút cho phép hàng ngày, anh không thể rửa sạch kem ngụy trang gốc dầu mà ngày nào cũng phải bôi trên mặt. Một cấp trên đã gợi ý anh chuyển sang sữa rửa mặt gốc dầu có hiệu quả tốt hơn. Kể từ đó, Dino Ha đam mê mỹ phẩm.
Khi bị điều sang Afghanistan chiến đấu cùng quân đội Mỹ một năm sau, anh bắt đầu thử kết hợp nhiều sản phẩm khác nhau để đối phó với cái nóng 37-40 độ C. Tới khi xuất ngũ, việc chăm sóc da hàng ngày của Ha đã phát triển sang 6 loại sản phẩm, bao gồm các loại như tinh chất, huyết thanh, sữa rửa dạng bọt, kem chống nắng.
"Chàng trai nào từng đi nghĩa vụ quân sự cũng sẽ trở thành chuyên gia làm đẹp", Ha, 34 tuổi, đang điều hành Memebox, một công ty khởi nghiệp về mỹ phẩm, nhận định.
Amorepcific Corp. , một trong những công ty mỹ phẩm lớn nhất Hàn Quốc, đã đi tiên phong khi tung ra loại kem ngụy trang thân thiện với lỗ chân lông cách đây 7 năm. Nó bao gồm trà xanh, than tre và chiết xuất từ cây thông đỏ. Công ty bán được hơn 50.000 sản phẩm trong 6 tháng đầu tiên.
"Khi nhập ngũ, tôi bắt đầu nhận ra da mặt đang xấu đi", Haeny Hong, giám đốc chiến lược của Amorepacific nói.
Trong quân đội, nếu một người lính đem sản phẩm mới ra dùng, mọi người trong đơn vị sẽ dùng thử. Năm ngoái, Hong triển khai dòng sản phẩm dành cho nam giới có tên Bro&Tips, đưa ra các hướng dẫn sử dụng đơn giản bằng hoạt họa để đo lượng kem sử dụng cần thiết.

Kim Sang-heon khoe những sản phẩm chăm sóc da mà anh học cách sử dụng khi trong quân ngũ. Ảnh: WSJ.
Kim Jin-hyung, một đô đốc Hàn Quốc đã nghỉ hưu, nhận thấy thời thế đã thay đổi sau khi ông tốt nghiệp học viện hải quân năm 1982.
"Thời đó, chúng tôi rửa mặt, tắm gội, giặt giũ chỉ bằng cục xà phòng được phân phát", cựu đô đốc nay là giáo sư lịch sử chiến tranh nói. Bây giờ ông đã thay đổi quan điểm. "Chăm sóc da đã trở thành một phần không thể thiếu của chăm sóc sức khỏe tổng thể".
Còn Yoon Suk-joon, đại úy hải quân đã nghỉ hưu, lại gọi nỗi ám ảnh với các loại kem dưỡng da là dấu hiệu của sự yếu đuối. "Hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh", ông nói. "Tại sao lại đầu tư quá mức vào chăm sóc da trong tình huống hiểm nguy thật sự vẫn tiềm tàng chứ?"
Ko Dae-ho vừa xuất ngũ hồi tháng 6, trở thành người hâm mộ một nhãn hiệu nhỏ có tên Dr.G sau khi dùng thử kem chiết xuất từ ốc sên của công ty này. Anh quyết định mua toàn bộ các dòng sản phẩm chăm sóc da của họ.
Bạn gái cũ đã gửi cho Ko kem dưỡng ẩm để đối phó với mùa đông khô hanh của Hàn Quốc. Ngay khi bận rộn với các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, chàng trai 23 tuổi này phải ăn ngủ trong điều kiện mô phỏng chiến tranh nhưng vẫn xoay xở mang theo sản phẩm chăm sóc da.
"Chẳng có quy định nào cấm chăm sóc da cả. Vì thế tôi duy trì thói quen này kể cả trong quá trình tập huấn", Ko nói.