Người trẻ độc thân ở Hàn Quốc cảm thấy chán ngán mỗi lần bị họ hàng, bạn bè hoặc đồng nghiệp, thậm chí cả người lạ, hỏi xoáy: "Khi nào thì cô/cậu kết hôn?", theo SCMP.
"Mỗi lần qua thăm tôi, cha mẹ đều gây áp lực về chuyện lấy vợ", một người đàn ông 34 tuổi sống ở thủ đô Seoul than thở. "Ban đầu họ hỏi kiểu bông đùa nhưng càng về cuối câu chuyện, cha mẹ tôi càng tỏ ra nghiêm trọng".
Một phụ nữ 32 tuổi làm việc tự do cũng lâm vào tình cảnh tương tự. "Ngay lần đầu tiên gặp mặt, nhiều người đã sỗ sàng hỏi tại sao tôi chưa kết hôn. Đặc biệt là người già Hàn Quốc, họ rất hay hỏi những câu kiểu này", cô nói và giải thích rằng trái ngược với các thế hệ trước, giới trẻ Hàn Quốc giờ đây cảm thấy cách hỏi han thông tin cá nhân như vậy vừa thô lỗ vừa đi quá giới hạn.
Bất chấp truyền thông và sức ép từ xã hội, ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc chọn cuộc sống độc thân và từ chối kết hôn. Thậm chí, không ít người còn không muốn hẹn hò.
Theo một khảo sát do Viện Sức khỏe và các Vấn đề Xã hội của Hàn Quốc công bố hồi đầu tháng 1, tính đến năm 2012, chưa tới 40% người trưởng thành Hàn Quốc từ độ tuổi 22 đến 44 tham gia khảo sát cho biết họ đang tích cực hẹn hò. Tỉ lệ những người đã kết hôn còn thấp hơn.
Năm 2015, 90% đàn ông và 77% phụ nữ Hàn Quốc tuổi từ 25 đến 29 chưa kết hôn, theo một báo cáo đăng trên tờ Korea Herald. Trong nhóm những người 30-34 tuổi, con số này là 56% và nhóm 40-45 tuổi là 33%.
Tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc thuộc diện thấp nhất thế giới, giảm mạnh xuống chỉ còn 0,95 vào cuối năm 2018, nghĩa là cứ 100 phụ nữ Hàn Quốc, chỉ có 95 trẻ nhỏ được sinh ra. Để đảm bảo dân số phát triển ổn định, tỉ lệ sinh của một quốc gia phải đứng ở mức 2,1. Vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, gần 1 triệu trẻ em được sinh ra mỗi năm nhưng đến năm 2017, số lượng trẻ sơ sinh giảm đi một nửa, xuống 357.700.
Hậu quả là dân số Hàn Quốc ngày càng già hóa. Báo cáo của một nhà kinh tế học tại trường đại học hàng đầu uớc tính đến năm 2030, gần 1/3 dân số nước này là người cao tuổi trên 65. "Nguồn cung lao động sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế", nhà nghiên cứu kinh tế Kang Sung-jin, giám đốc học viện phát triển bền vững thuộc đại học Hàn Quốc, nhận xét. "Khi số lượng người cao tuổi tăng cao, chính phủ sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào chi phí phúc lợi xã hội, điều này nghĩa là gánh nặng thuế má sẽ đổ lên đầu người trẻ".
Lập gia đình và sinh con dường như trở thành nỗi sợ hãi đối với thanh niên ở một quốc gia mà tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức kỷ lục trong vòng 17 năm qua và lương trung bình mỗi năm chưa bằng một nửa so với mức lương của người lao động ở Mỹ, theo tổ chức các nền kinh tế thị trường OECD.
Theo một khảo sát năm 2013, các cặp vợ chồng sắp cưới ở Hàn Quốc phải chi trung bình 90.000 USD để tổ chức một lễ thành hôn truyền thống bao gồm thuê địa điểm tiệc tùng, mua quà tặng thông gia và nhiều khoản khác. Nhưng gánh nặng tài chính không dừng lại ở đó.
Một cô dâu Australia vừa lấy chồng Hàn Quốc miêu tả đám cưới như là dịp để các gia đình "buôn bán tài sản", ngã giá và thể hiện quyền lực. "Nếu nhà rể có danh tiếng hoặc chú rể là bác sĩ thì gia đình nhà trai sẽ mong chờ một khoản hồi môn lớn từ gia đình cô dâu bởi vì họ nghĩ rằng với địa vị xã hội của mình, họ xứng đáng với khoản đánh thuế đó", người phụ nữ 34 tuổi tâm sự.
Xã hội Hàn Quốc coi trọng sự nghiệp và bằng cấp hơn các mối quan hệ là một trong những lý do khiến ngày càng nhiều thanh niên sợ lập gia đình. Số liệu của OECD cho thấy năm 2017, người Hàn Quốc trung bình làm việc nhiều hơn người Mỹ gần 250 giờ và người Đức 424 giờ. Năm ngoái, một khảo sát của trang web về việc làm thực hiện với 1.141 người cho thấy 68,3% số người được hỏi ưu tiên phát triển sự nghiệp và tận hưởng cuộc sống cá nhân hơn lập gia đình, trong khi đó 47,5% không muốn kết hôn vì sợ những gánh nặng tài chính.
Chính phủ đương nhiên nhận thức được vấn đề này. Kể từ năm 2005, Hàn Quốc đã chi 32,1 tỷ USD để giảm bớt các gánh nặng cho các cặp vợ chồng trẻ thông qua các chương trình trợ cấp trông nom và chăm sóc trẻ nhỏ trị giá 268 USD mỗi tháng.
Hồi tháng 7/2018, Hàn Quốc thông qua dự luật kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên đến hai năm và cho phép các ông bố được hưởng 80% lương, tối đa 1.338 USD mỗi tháng, khi ở nhà chăm con sơ sinh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các biện pháp trên chỉ là giải pháp tình thế. Điều quan trọng là làm sao để giới trẻ Hàn Quốc hào hứng hơn với việc kết hôn. "Cách này không hiệu quả vì đứng từ góc độ của người trẻ, chi phí (xã hội và tài chính) của việc kết hôn và sinh con quá cao và sự hỗ trợ của chính phủ hiện nay chưa đủ", nhà kinh tế học Kang nhận xét.
Ngoài ra, trong một xã hội phụ hệ và bảo thủ như Hàn Quốc, phụ nữ nhận ra cuộc sống hôn nhân khiến họ mất nhiều hơn được. "Nhiều phụ nữ nhận ra sự bất bình đẳng trong hôn nhân", người phụ nữ 32 tuổi làm nghề tự do nhắc đến viễn cảnh phải bỏ việc và ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái. "Ngày nay, một vài phụ nữ Hàn Quốc còn tuyên bố kế hoạch sống độc thân và không sinh con cho đến hết đời".
Shin Gi-wook, giáo sư gốc Hàn nghiên cứu về xã hội học tại đại học Stanford Mỹ, nhận xét phụ nữ cảm thấy khó xoay xở để vừa duy trì công ăn việc làm vừa đáp ứng những kỳ vọng của xã hội. "Xã hội không có hệ thống hỗ trợ phụ nữ, các tổ chức xã hội vẫn bị chi phối bởi đàn ông", chuyên gia này nhận xét. "Người phụ nữ được kỳ vọng phải đóng một lúc nhiều vai trong gia đình và xã hội: làm mẹ hiền, vợ đảm, dâu thảo".
Còn theo nhà nghiên cứu khoa học xã hội Michael Hurt, Hàn Quốc cần phải thay đổi tư tưởng trọng nam khinh nữ và mạnh tay cải cách những chính sách có lợi cho đàn ông nhưng gây bất lợi cho phụ nữ bấy lâu nay, nếu không xứ sở kim chi sẽ đối mặt với "tuyệt chủng tự nhiên vào năm 2750" như một báo cáo của chính phủ công bố năm 2014.
"Mỗi khi có một người phụ nữ bị đẩy khỏi vị trí làm việc chỉ vì cô ấy kết hôn, sẽ có thêm những người khác lấy đó làm tấm gương và không muốn kết hôn. Nếu người Hàn Quốc muốn sinh con đẻ cái, họ cần phải loại bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ", nhà nghiên cứu kiêm giảng viên đại học Seoul đưa ra lời khuyên.
An Hồng