Hội chứng chuyển hóa là hội chứng bao gồm các rối loạn của quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể, nhất là các chất sinh năng lượng. Hội chứng này dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh mạn tính như thừa cân béo phì, tiểu đường, tim mạch, ung thư...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khoảng 20 - 30% dân số tại các nước phát triển mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa. Riêng tại Mỹ, năm 2010, số người mắc phải tình trạng này ước tính khoảng 50-70 triệu người.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc hội chứng chuyển hóa cũng đang ở mức báo động, chiếm 16,8% theo số liệu thống kê của Bộ Y tế vào năm 2008.
WHO cảnh báo, người bị hội chứng chuyển hóa có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao gấp 5 lần và các bệnh lý tim mạch cao gấp 1,5 - 3 lần so với người không bị hội chứng chuyển hóa.
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha, nguyên Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC; Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm Dinh dưỡng - Y học Vận động Nutrihome cho biết, hội chứng chuyển hóa không tự nhiên mà đến, nó có liên quan mật thiết đến các yếu tố như gen di truyền, môi trường, chế độ dinh dưỡng (ăn quá nhiều chất béo, chất bột đường, chất đạm...).
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha cho biết thêm, hội chứng chuyển hóa thường tiềm ẩn nhiều mối nguy cho sức khỏe người bệnh. Để chủ động phòng ngừa, cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý với đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng như chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng các nhóm chất
Chất tinh bột, đường: Một người bình thường được khuyến nghị tiêu thụ 55-65% chất bột đường mỗi ngày nhưng với người mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa chỉ nên tiêu thụ khoảng 50%. Không nên ăn quá nhiều tinh bột vì sẽ tích trữ dưới dạng mỡ thừa trong máu hoặc ở các bộ phận mỡ dễ bám vào như vùng cổ, nách, bắp tay, bắp chân, vùng bụng...
Thực phẩm nên ăn: Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, gạo không xay xát quá kỹ, khoai, củ...; nên ăn theo nhu cầu về năng lượng tương ứng với chỉ số BMI.
Chất đạm: Mỗi ngày cơ thể người bệnh chỉ cần tiêu thụ 13-20% theo khuyến nghị của Bộ Y tế.
Thực phẩm nên ăn: Đậu tương và các chế phẩm từ đậu tương gồm đậu phụ, sữa đậu nành, sữa chua đậu tương, thịt gà bỏ da (lườn gà), thịt nạc thăn, tôm, cua, cá (ăn 120-150 gram một ngày).
Chất béo: Mỗi ngày cơ thể người bệnh nên tiêu thụ dưới 25% tùy từng trường hợp cụ thể, trong đó chất béo bão hòa chiếm dưới 10%, lượng cholesterol dưới 300 mg một ngày đối với người không bị rối loạn lipid máu. Người bị rối loạn lipid máu chỉ nên ổn định cholesterol ở mức dưới 200 mg một ngày.
Thực phẩm nên ăn: Ưu tiên tiêu thụ các loại chất béo không no có trong các thực phẩm như cá béo, dầu hạt ở mức 10%, hạn chế dùng dầu dừa, dầu cọ.
Các loại vitamin và khoáng chất: Cần bổ sung đủ, cân bằng, hợp lý các loại vitamin và khoáng chất như vitamin tan trong dầu A, E, K D, vitamin tan trong nước như vitamin C và vitamin nhóm B. Tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn bằng 400-500 gram rau xanh một ngày và 300 gram quả chín một ngày.
Thực phẩm nên ăn: Các loại quả chín ít ngọt (bưởi, thanh long, táo, lê, dưa chuột, củ đậu, cam, quýt...); các loại rau xanh (rau cần, bắp cải, súp lơ, su hào, rau muống, mồng tơi, giá đỗ, bầu bí...).
Hạn chế các thực phẩm: Bơ thực vật, mỡ động vật, thịt nhiều mỡ, bánh, kẹo, nước ngọt có ga, lòng đỏ trứng (chỉ ăn 1-2 quả trứng một tuần), những loại quả chín quá ngọt (na, nhãn, vải, chuối, mít, xoài...), thức ăn chế biến sẵn (pate, xúc xích, lạp xưởng, khoai tây chiên, thức ăn nhiều muối mặn như dưa, cà muối), các loại mắm (mắm tôm, mắm tép, mắm cá...) vì có thể khiến tình trạng rối loạn chuyển hóa trầm trọng thêm.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng cân bằng, người bệnh nên tăng cường hoạt động thể chất mỗi ngày như đi bộ, yoga, tập các động tác nhẹ nhàng. Bổ sung nước đầy đủ, trung bình 1,5-2 lít một ngày, bao gồm cả sữa và nước trái cây để tránh tình trạng mất nước không tốt cho sức khỏe.
Phòng ngừa và điều trị hội chứng chuyển hóa
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha chia sẻ thêm, thực tế rất khó phát hiện hội chứng chuyển hóa ở những người sinh hoạt bình thường, trong khi nếu để tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến các bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, đột quỵ não... Để phòng ngừa hội chứng chuyển hóa, mỗi người cần giữ cân nặng tiêu chuẩn, điều chỉnh chế độ ăn hợp lý và duy trì hoạt động thể chất đều đặn. Bên cạnh đó, việc khám sức khỏe định kỳ giúp kiểm soát huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu cũng như các chỉ số quan trọng để nâng cao sức khỏe, phòng tránh các yếu tố nguy cơ của hội chứng chuyển hóa.
Hệ thống Trung tâm Dinh dưỡng - Y học Vận động Nutrihome đầu tư quy mô về cơ sở hạ tầng cùng trang thiết bị, máy móc hiện đại nhất; hội tụ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm.
Nutrihome mang đến dịch vụ thăm khám cao cấp, chuyên nghiệp từ khám, tư vấn, xét nghiệm và kiểm tra thành phần cơ thể, từ đó đưa ra những tư vấn và phác đồ điều trị thích hợp.
Trẻ em, người lớn sẽ được các chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành của Nutrihome thiết kế thực đơn cá thể hóa (theo ngày, tuần, tháng), bộ phận tiết chế dinh dưỡng hướng dẫn thực hành nấu các món ăn giàu dưỡng chất, ngon miệng, bắt mắt, giúp cải thiện tình trạng tình trạng rối loạn chuyển hóa nhanh nhất có thể.
Thanh Yên