Trả lời:
Nhiều người hay bị ngứa họng, có đờm trong cổ họng sau khi ngủ dậy và ho, khạc đờm nhiều vào buổi sáng. Hầu hết trường hợp này là biểu hiện sinh lý bình thường của cơ thể, lành tính, nhằm làm sạch đường hô hấp.
Trong khi ngủ, hoạt động bài tiết của niêm mạc đường thở không giảm nhưng hoạt động đẩy dịch tiết của niêm mạc đường thở và cử động nuốt của thực quản giảm đi, khiến dịch nhầy ứ đọng trong đường thở, họng. Vào buổi sáng khi thức dậy, miệng có thể có một lượng dịch nhầy trong miệng. Bạn có thể ho hoặc khạc đờm để vệ sinh đường hô hấp vào buổi sáng.
Tuy nhiên, nếu ho, khạc đờm thường xuyên xảy ra, xuất hiện nhiều trong ngày nhiều có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang hoặc cảm cúm thông thường hay bệnh phổi mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn, hen suyễn, giãn phế quản) có thể gây ho, khạc đờm kéo dài.

Ho, khạc đờm là phản xạ tự nhiên để vệ sinh đường hô hấp. Ảnh minh họa: Bệnh viện Tâm Anh
Trường hợp tiếp xúc với chất gây dị ứng như bụi, phấn hoa, lông động vật... cũng gây kích ứng, ho nhiều. Người hút thuốc lá có nguy cơ kích thích đường hô hấp, tăng tiết đờm. Người bệnh trào ngược dạ dày cũng hay bị ho nhiều do dịch axit trào ngược lên cổ họng, gây kích ứng, tăng tiết đờm.
Đờm bình thường có màu trong, hơi đục. Khi đờm có lẫn máu hoặc chuyển màu xanh, vàng là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý, bạn cần đi khám để kiểm tra nguyên nhân để có hướng điều trị phù hợp. Nếu bạn ho, khạc đờm nhiều đi kèm dấu hiệu khó thở, thở khò khè, sốt cao, đau ngực, giảm cân không rõ nguyên nhân thì cũng cần đến bác sĩ khám.
ThS.BS Phùng Thị Thơm
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |