Ngày 8/6, ThS.BS.CKI Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh bị thoái hóa khớp gối giai đoạn cuối ở cả hai chân. Các dây chằng khớp gối bị tổn thương nặng nề. Do khi thoái hóa khớp tiến triển, dây chằng chéo trước và chéo sau bị rách bán phần, dây chằng bên ngoài bị giãn nhiều, còn bên trong bị co rút và căng do các gai xương lớn...
Những dây chằng này, nhất là dây chằng bên trong và bên ngoài đóng vai trò như một bản lề, giữ cho khớp gối ổn định khi di chuyển. Khi chúng bị tổn thương, khớp gối mất đi sự vững chắc, xương chày ở hai chân vẹo vào trong đến 45 độ (trên 20 độ là vẹo nặng), làm cho đầu gối vẹo ra ngoài.
Bác sĩ Ân cho hay nếu không lập tức điều trị, người bệnh đối mặt với nguy cơ tàn phế rất cao. Bà Tuyết được chỉ định thay khớp gối ở cả hai chân, ưu tiên phẫu thuật khớp gối trái trước do tổn thương nặng nề hơn.
Dây chằng bên ngoài của bà Tuyết đã giãn nhiều, mất chức năng. Nếu thay khớp gối thông thường, sau phẫu thuật, dù hết đau nhưng các tổn thương ở dây chằng không được giải quyết, khớp gối vẫn trong tình trạng lỏng lẻo, người bệnh đi lại không tự nhiên, tiếp tục vẹo chân, theo bác sĩ Ân.
Sau khi cân nhắc và tính toán trên phần mềm TraumaCad chuyên dụng trong thay khớp, bác sĩ chọn khớp semi constraint. Đây là loại khớp gối có khả năng bù đắp lại sự lỏng lẻo của dây chằng. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ còn căn chỉnh lại trục chi, giải quyết tình trạng vẹo chân.
Ngày thứ ba sau phẫu thuật, người bệnh giảm đau đáng kể, chân trái thẳng rõ rệt, có thể đi lại nhẹ nhàng. Tình trạng phục hồi tốt, sức khỏe cải thiện nhanh chóng nên một tháng sau, bà Tuyết tiếp tục thay khớp gối phải.
Sau phẫu thuật, người bệnh tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Điều này giúp phục hồi sức cơ và khả năng vận động, hỗ trợ điều trị các bệnh thứ phát do thoái hóa khớp gối, vẹo chân gây ra như viêm gân chày sau, thoái hóa khớp cổ chân... Tiên lượng một tháng sau ca mổ thứ hai, người bệnh có thể đi lại gần như bình thường.
Bác sĩ Ân cho biết thay khớp gối trở thành phẫu thuật thường quy, độ an toàn cao nhờ y học và công nghệ phát triển. Nếu có chỉ định thay khớp, người bệnh nên sớm điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm. Người mắc bệnh khớp gối nên đi khám khi có các dấu hiệu bất thường như đau, cứng khớp, khó đi lại... Phát hiện sớm có thể điều trị bảo tồn, giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Phi Hồng
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |