Ngày 19/6, ThS.BS.CKI Đào Duy An Duy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khớp gối cả hai chân bà Vững đều bị thoái hóa, lớp sụn khớp nằm giữa xương đùi và xương chày tiêu biến, các đầu xương ma sát vào nhau khi đi lại. Tình trạng này xảy ra trong thời gian dài, xương đùi không ngừng tì đè, tạo thành lỗ khuyết lõm ở xương chày. Hậu quả là dây chằng bên trong bị co rút, dây chằng bên ngoài giãn nhiều, hai chân cong vẹo bất thường.
Ở người khỏe mạnh, trục chân chỉ vẹo khoảng 1-3 độ. Còn chân phải bà Vững vẹo trong đến 30 độ, gấp hơn 10 lần bình thường. Chân trái thoái hóa ít nghiêm trọng hơn, vẹo khoảng 18 độ.
Theo bác sĩ Duy, bà Vững cần phẫu thuật thay khớp nhân tạo càng sớm càng tốt. Ê kíp sử dụng phần mềm TraumaCad chuyên dụng để đo đạc và tìm loại khớp phù hợp, từ đó phẫu thuật sao cho ít mất xương nhất có thể vì người bệnh đã cao tuổi và bị loãng xương.
Bà Vững được thay khớp gối nhân tạo và sử dụng xi măng sinh học bù đắp phần khuyết hổng ở xương chày chân phải. "Phương pháp này giúp bảo tồn xương tối đa, cân bằng khớp gối, điều chỉnh lại trục chi", bác sĩ Duy nói.
Bà tập phục hồi chức năng ngay ngày đầu sau mổ để cải thiện tình trạng đau nhức và đẩy nhanh tốc độ hồi phục vận động của khớp gối. Đến ngày thứ ba, người bệnh giảm đau đáng kể, có thể tự đi lại nhẹ nhàng. Nếu bà tuân thủ phác đồ điều trị và tập vật lý trị liệu chuyên biệt, bác sĩ tiên lượng sau 4 tuần có thể tự đi lại như bình thường, thay khớp gối ở chân trái sau 8 tuần.
Bác sĩ Duy cho biết thoái hóa khớp gối là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên nên không thể chữa khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị bảo tồn như dùng thuốc, thực phẩm chức năng... chỉ có tác dụng kiểm soát các triệu chứng, làm chậm quá trình phát triển. Khi bệnh tiến triển nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Nếu điều trị chậm trễ, người bệnh có nguy cơ tàn phế.
Phi Hồng