Các cơn đau do gout cách nhau vài tháng nên anh Nam không điều trị. Gần ba năm nay, cơn đau dày hơn, xuất hiện khối tophi ở cổ chân, bàn chân và ngón chân, anh tự dùng thuốc điều trị tại nhà không hiệu quả. Sau Tết, tình trạng gout càng nặng nề hơn.
Hôm 26/2, ThS.BS.CKII Nguyễn Ngọc Tiệp, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết hai bàn chân của người bệnh đều xuất hiện nhiều khối tophi gồ dưới da, chủ yếu ở mặt trong khớp bàn chân, đốt ngón chân, mặt ngoài mắt cá chân. Nếu không phẫu thuật, các khối tophi lớn hơn, nguy cơ biến chứng như vỡ, chảy dịch chảy mủ gây nhiễm trùng. Chúng có thể chèn vào dây thần kinh, mạch máu ảnh hưởng đến tuần hoàn, cấu trúc của khớp, gân khiến khó vận động. Hạt tophi phát triển cũng gây đau khi đi giày, ảnh hưởng thẩm mỹ.
Anh Nam được bác sĩ phẫu thuật bóc tách các tổ chức tophi ở nhiều vị trí, nhất là các khối kích thước lớn ở mắt cá ngoài (8 cm), cạnh trong ngang mức khớp bàn chân (5x3 cm), mặt trong bàn chân trái (4x3 cm).
Theo bác sĩ Tiệp, phẫu thuật bóc hạt tophi không tác động cấu trúc chịu lực của cơ thể và chức năng của bàn chân nên người bệnh có thể tập vận động ngay sau đó một ngày. Bác sĩ khuyến khích người bệnh vận động sớm, giúp tăng tuần hoàn tại chỗ, tránh phù nề, giảm nguy cơ cứng khớp, đồng thời chăm sóc vết thương tránh nhiễm trùng.
Hậu phẫu, anh chuyển về khoa Cơ xương khớp điều trị nội khoa, quản lý bệnh theo phác đồ cá thể hóa, dự phòng tái phát. Bác sĩ khuyến cáo anh kiểm soát tốt tình trạng axit uric máu và tình trạng viêm, bởi tái phát gout cấp tăng tỷ lệ mọc thêm các khối tophi ở vị trí đã phẫu thuật và vị trí mới.
Gout là bệnh chuyển hóa toàn thân, mạn tính, xảy ra do sự tích tụ axit uric hoặc urat trong máu, gây các cơn đau đột ngột. Bệnh phổ biến ở nam giới lớn tuổi, thừa cân, uống nhiều rượu, có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Thầy thuốc ưu tú, PGS.TS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp, cho biết sau Tết, lượng người bệnh xương khớp nhập viện do tái phát, tiến triển nặng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tăng 10-15%, phổ biến là viêm khớp dạng thấp, gout, thoái hóa khớp... Người có thói quen sinh hoạt thất thường, hạn chế vận động, lạm dụng rượu bia, thực phẩm nhiều đạm, đồ ngọt dịp năm mới... khiến các bệnh này trở nặng.
Như anh Nam, lối sống sinh hoạt thiếu khoa học và tiền sử gia đình bị gout là các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh từ khi còn trẻ.
Bác sĩ Tiệp khuyên người bệnh sau phẫu thuật bóc hạt tophi cần thay đổi lối sống, sinh hoạt giúp hạn chế tối đa sự phát triển các cơn gout cấp, tái phát hạt tophi. Tránh thực phẩm nhiều đạm, bớt thực phẩm có nhiều chất urine, hạn chế rượu bia; nên ăn nhiều rau, thực phẩm giàu vitamin. Trong quá trình vận động, người bệnh không tập luyện nhiều và quá sức; chọn các môn nhẹ nhàng như đạp xe, bơi lội, yoga, dưỡng sinh. Nhóm gân cơ tham gia vận động dễ bị tổn thương. Các vị trí tổn thương dễ gây lắng đọng axit uric, tăng các đợt viêm cấp.
Lục Bảo
* Tên người bệnh đã thay đổi
20h ngày 27/2, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tổ chức tư vấn trực tuyến "Chữa viêm khớp, gout, bệnh xương khớp hiệu quả cao bằng phác đồ hiện đại, toàn diện" phát trên fanpage VnExpress. Các bác sĩ tham gia tư vấn gồm: TTƯT.PGS.TS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp; TTƯT.PGS.TS Vũ Thị Thanh Thủy, khoa Cơ xương khớp; ThS.BS.CKII Nguyễn Ngọc Tiệp, khoa Chấn thương Chỉnh hình. Độc giả gửi câu hỏi tại đây để được tư vấn. |