Trước đó kết quả nội soi dạ dày của ông Ngọc ở hai bệnh viện ghi nhận ổ loét lớn, sinh thiết không phải ung thư. Ông Ngọc tuân thủ điều trị nhưng triệu chứng nặng thêm, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám. Lần này nội soi dạ dày cho thấy niêm mạc thâm nhiễm cứng chắc quanh hang vị (vị trí bờ cong nhỏ gần phía dưới cuối của dạ dày) gây hẹp không hoàn toàn. Tổ chức thâm nhiễm lan ra mặt trước dạ dày. Trung tâm vùng này có ổ loét 1,5 cm.
Nhờ thiết bị nội soi phóng đại ánh sáng dải tần hẹp (NBI), bác sĩ quan sát và ghi nhận có sự thay đổi bề mặt, bên trong cấu trúc tổn thương, sinh thiết lấy đúng được tế bào ung thư. Kết quả giải phẫu cho thấy các mảnh ở tổ chức đáy ổ loét và niêm mạc dạ dày có mô ung thư.
Ngày 22/5, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, cho biết ông Ngọc mắc ung thư dạ dày type tế bào nhẫn (Signet ring cell carcinoma) gây hẹp môn vị. Ung thư tế bào nhẫn là ung thư ác tính, 90% loại ung thư này nằm ở dạ dày. Tế bào nhẫn chứa chất nhầy, rất giàu tế bào chất, nhân bị tế bào chất ép dẹt vào một bên trông giống chiếc nhẫn.
Ở giai đoạn đầu do tổn thương nằm dưới niêm mạc tiết chất nhầy nên người bệnh không có triệu chứng. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng ở đường tiêu hóa không đặc hiệu như khó tiêu, khó nuốt, buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy bụng sau bữa ăn, chán ăn, xuất huyết tiêu hóa, xanh xao, mệt mỏi...
Bác sĩ Khanh cho biết ung thư tế bào nhẫn ở dạ dày thể ẩn thường khó phát hiện qua soi dạ dày thông thường, nhất là khi bệnh ở giai đoạn sớm. Như trường hợp ông Ngọc, nội soi hai lần vẫn chưa có chẩn đoán chính xác bởi một số lý do. Ung thư tế bào nhẫn tại dạ dày thường thâm nhiễm và tổn thương ăn sâu xuống phía dưới nên sinh thiết có khả năng cho kết quả âm tính giả. Tình trạng này có thể khắc phục được bằng cách sử dụng máy nội soi phóng đại. Nếu sinh thiết lấy được ít tế bào ung thư, cần sử dụng nhuộm PAS giúp chất nhầy trong tế bào ung thư hiện lên rõ, từ đó chẩn đoán đúng bệnh.
Ông Ngọc được phẫu thuật cắt phần dạ dày tổn thương, vét hạch, tái lập lưu thông tiêu hóa. Sau cắt dạ dày, ông có thể phải điều trị hóa chất, thuốc đích hay miễn dịch nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót, giảm tối đa nguy cơ tiến triển bệnh.
Bác sĩ Khanh giải thích ông Ngọc có tiền sử uống rượu và hút thuốc, khi bị viêm loét dạ dày hoặc bắt đầu xuất hiện tổn thương giai đoạn sớm, các chất kích thích có thể là yếu tố thúc đẩy nguy cơ phát triển ung thư. Ethanol (rượu nguyên chất) và sản phẩm phụ độc hại là acetaldehyde gây tổn hại tế bào bằng liên kết với DNA, khiến tế bào sao chép không chính xác. Chúng còn ảnh hưởng đến mức độ hormone, thay đổi cách tế bào phát triển và phân chia; tổn thương mô trực tiếp, làm tăng sự hấp thụ của các chất gây ung thư khác.
Ung thư dạ dày phát hiện ở giai đoạn sớm tiên lượng điều trị tốt hơn. Ở giai đoạn sớm khi tổn thương ở lớp niêm mạc, kỹ thuật cắt tách hay cắt hớt niêm mạc qua nội soi đường miệng giúp phát hiện, chữa khỏi bệnh, không phải cắt dạ dày. Bệnh phát hiện càng trễ, chữa trị càng khó.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |