Ngày 20/3, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thông tin trên, thêm rằng người bệnh thường được phát hiện bệnh tình cờ do nội soi sàng lọc khi trên 40 tuổi hoặc nội soi dạ dày vì các bệnh lý tiêu hóa khác. Khi ung thư dạ dày có triệu chứng, bệnh thường đã ở giai đoạn tiến triển.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn muộn cao, khoảng hơn 95% phát hiện bệnh ở giai đoạn tiến triển hoặc di căn. Lúc này, người bệnh không còn khả năng phẫu thuật hoặc còn khả năng phẫu thuật nhưng nguy cơ cao tái phát trong vòng 5 năm. Tỷ lệ sống sau 5 năm khoảng dưới 20%.
Bệnh ở giai đoạn muộn quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí nhưng hiệu quả kém.
Đơn cử bà Hà, ngụ Vĩnh Phúc, 6 tháng gần đây đau âm ỉ vùng mạn sườn trái và thượng vị, có lúc đau quanh rốn. Cơn đau xuất hiện trước và cả sau khi ăn khiến bà mất ngủ, sụt khoảng 3 kg. Trong 6 tháng, bà Hà đi khám ở 4 bệnh viện từ Vĩnh Phúc đến Hà Nội đều được chẩn đoán viêm dạ dày, sẹo loét hành tá tràng, dùng thuốc nhiều đợt không bớt nên đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám.
Kết quả nội soi dạ dày của bà Hà cho thấy tổn thương loét sùi tại tâm vị (kích thước 5 cm) kèm viêm teo niêm mạc dạ dày. Tổn thương thâm nhiễm lan đến bề mặt xung quanh, dễ chảy máu khi chạm vào. Hình ảnh phóng đại bằng ánh sáng dải tần hẹp (NBI) trong quá trình nội soi thấy mạch máu giãn, vài vị trí vô mạch.
Bác sĩ Khanh chẩn đoán bà Hà mắc ung thư biểu mô tuyến kém biệt hóa (bệnh lý ác tính).
Tương tự, chị Lan, 32 tuổi, ngụ Hà Nội, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám do đau dạ dày theo từng đợt gần một năm nay. Triệu chứng thường gồm đau quặn bụng, chướng bụng, ợ chua, chán ăn, mệt mỏi. Trước đó, chị Lan được bác sĩ một phòng khám chẩn đoán viêm loét kèm HP dạ dày. Kết quả nội soi dạ dày tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho thấy chị Lan mắc ung thư dạ dày giai đoạn muộn.
Bà Hà và chị Lan đều được xem xét khả năng phẫu thuật cắt dạ dày qua nội soi ổ bụng. Tùy từng tình trạng cụ thể, bác sĩ cân nhắc điều trị hóa chất, thuốc đích hay miễn dịch nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót, giảm tối đa nguy cơ tiến triển bệnh.
Nội soi là phương pháp chính giúp tầm soát ung thư dạ dày giai đoạn sớm, phát hiện loét dạ dày tá tràng. Nếu người bệnh nội soi dạ dày ở giai đoạn ung thư sớm dễ bị bỏ sót. Tỷ lệ ung thư dạ dày tiến triển bị bỏ sót thường ít gặp.
Bác sĩ Khanh lý giải nguyên nhân bỏ sót ung thư dạ dày trên nội soi thường do thời gian thực hiện quá ngắn. Đây là tình trạng thường gặp ở nước ta, vì số lượng bệnh nhân quá đông, bác sĩ nội soi nhanh hoặc bệnh nhân nội soi không gây mê nên nôn ọe nhiều, khó kéo dài thời gian thực hiện. Người đi khám chuẩn bị trước nội soi không tốt, như thức ăn còn trong dạ dày, không dùng dung dịch tan bọt và nhầy. Một số lý do khác như chất lượng của máy nội soi dạ dày, kỹ năng của bác sĩ...
Theo bác sĩ Khanh, để tránh khả năng bỏ sót chẩn đoán ung thư dạ dày trên nội soi, người bệnh và bác sĩ nên tuân thủ các quy trình, bao gồm người bệnh nhịn ăn trước đó 6-8 giờ hoặc nhịn ăn qua đêm, được uống thuốc tan bọt và nhầy trước khi nội soi 15-20 phút; bác sĩ nội soi tiến hành quan sát, chụp ảnh và ghi hình lại tất cả vị trí theo quy định, được chuẩn hóa về nội soi phát hiện tầm soát ung thư sớm.
Bệnh viện trang bị hệ thống máy nội soi công nghệ tiên tiến với độ phóng đại hơn 100 lần, sử dụng nguồn ánh sáng dải tần hẹp (NBI) và chế độ tăng cường hình ảnh (BLI) giúp phát hiện tổn thương rất nhỏ trên bề mặt niêm mạc hoặc dưới niêm mạc. Nhờ đó, người bệnh được phát hiện bệnh sớm, điều trị khỏi, bảo tồn dạ dày bằng phương pháp cắt tách niêm mạc hoặc cắt hớt niêm mạc. Theo bác sĩ Khanh, phương pháp này giúp người bệnh loại bỏ tổn thương, tránh tiến triển và xâm lấn các tổ chức xung quanh, tránh phẫu thuật cắt đoạn ống tiêu hóa, không phải điều trị bổ trợ.
Trong các trường hợp đặc biệt, nội soi kết hợp đồng thời với siêu âm công nghệ cao tăng hiệu quả chẩn đoán. Để tránh lây nhiễm cho người bệnh khi nội soi, bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt quy trình khử khuẩn của máy nội soi và các dụng cụ khác bằng máy rửa và khử khuẩn chuyên dụng.
Một số cách góp phần giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, giữ cân nặng phù hợp, khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư đường tiêu hóa bằng nội soi.
Người có nguy cơ cao như béo phì, tiền sử gia đình có bố mẹ hoặc anh em ruột mắc ung thư dạ dày, trên 40 tuổi, thường xuyên hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia... nên tầm soát định kỳ hai lần mỗi năm. Phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm, tức tế bào ung thư chưa vượt qua lớp hạ niêm mạc, người bệnh có tiên lượng tốt, khoảng 90% sống thêm 5 năm, khả năng điều trị khỏi cao, nguy cơ tái phát thấp.
Lục Bảo
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |