Những năm vừa qua, Giáo dục và Đào tạo luôn là đề tài nóng, được xã hội và dư luận rất quan tâm, trăn trở. Trước thềm năm học mới, tôi cũng muốn đề cập đến một vài bất cập đang tồn tại trong nền giáo dục nước ta, cần sớm được quan tâm khắc phục để nâng cao chất lượng dạy và học:
1. Chen chân vào lớp 10 công lập
Vài năm gần đây, tình trạng học sinh và phụ huynh phải chầu trực nộp hồ sơ cho con từ tờ mờ sáng diễn ra ngày một phổ biến ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Nguyên nhân do đâu?
Năm học 2023 - 2024, số lượng các trường THPT công lập ở Hà Nội chỉ đáp ứng nhu cầu của khoảng 60% học sinh, còn lại sẽ phải chọn lựa vào các trường tư thục với mức học phí rất cao, hoặc các trung tâm Giáo dục thường xuyên. Như vậy, gia đình nào có điều kiện mới có thể cho con theo học, số còn lại, những đứa trẻ chưa đủ tuổi trưởng thành sẽ mất cơ hội được học tập, phải ra đời đời từ sớm, có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.
2. Thu nhập của giáo viên
Ai cũng biết tầm quan trọng của giáo viên. Đội ngũ giáo viên có chất lượng, có tâm, có tầm, mới mong tạo ra được các thế hệ học sinh có chất lượng và ngược lại. Vậy hiện tại, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, nhân viên trong trường học đã thực sự đáp ứng nhu cầu hay chưa? Có đảm bảo cuộc sống bình thường cho thầy, cô hay không? Theo tôi là chưa, vì hàng năm có hàng ngàn giáo viên bỏ việc.
Giáo viên ra trường dưới 5 năm, lương tháng đang dao động từ 3-5 triệu đồng. Nếu lập gia đình, phải nuôi con thì số tiền kia không thể đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho giáo viên. Mức lương này chỉ có thể tạm chấp nhận khi sinh sống ở vùng quê nghèo, nơi giáo viên có thể trồng rau, nuôi lợn... để cải thiện thêm cho bữa ăn. Còn với mức sống ở thành phố, điển hình như Hà Nội và TP HCM, giá cả đắt đỏ gấp 1,5 đến 2 lần so với vùng nông thôn, mà không có phụ cấp thì giáo viên sống sao được với nghề?
>> Nghịch lý 'giáo viên đào tạo chuyên môn nhưng phải dạy tích hợp'
3. Dạy thêm tràn lan
Vì thu nhập giáo viên thấp nên ngày càng xuất hiện tình trạng "dạy thêm, học thêm" tràn lan, không thể quản lý được. Đành rằng "dạy thêm, học thêm" phải xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh và học sinh; tuy nhiên có những giáo viên vì lợi nhuận đã làm xấu đi môi trường giáo dục lành mạnh khi coi "dạy thêm, học thêm" là hoạt động thương mại hóa, dẫn đến o ép, trù dập khi học sinh không theo học thêm.
Từ tình trạng "dạy thêm, học thêm" cho thấy: giáo viên "môn chính", cụ thể là ba môn Văn, Toán, Anh đang có thu nhập rất cao. Ở thành phố, có rất nhiều giáo viên thu nhập từ 30 triệu đến hơn 100 triệu mỗi tháng nhờ dạy thêm; trong khi giáo viên các môn còn lại chỉ thu nhập bằng lương chính, không có tiền từ thu nhập ngoài, nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Xã hội, phụ huynh và học sinh luôn coi trọng giáo viên dạy "môn chính", mà sinh ra xem thường "môn phụ".
4. Giáo dục toàn diện
Chúng ta luôn hô hào, nói rất nhiều về "giáo dục toàn diện", học sinh phải được trang bị đầy đủ "đức - trí - thể - mỹ". Tuy nhiên, chúng ta hãy nhìn đúng sự thực đang tồn tại ở các trường phổ thông, rằng có thực sự đem lại chất lượng giáo dục toàn diện hay không?
Ở cấp tiểu học, đa số học sinh không phải thi cử chuyển cấp, chỉ có bộ phận nhỏ học sinh muốn thi vào các trường top đầu mới phải cạnh tranh, áp lực ôn thi vào các trường đó. Bộ phận này các em cũng phải "gánh còng lưng" với những con chữ, con số mới có thể vào được các trường nổi tiếng.
Ở cấp THCS, nhất là đối với các thành phố lớn, cuộc đua thi vào lớp 10 THPT công lập đang là gánh nặng quá lớn đối với học sinh và phụ huynh, từ đây sinh ra tình trạng đua nhau "dạy thêm, học thêm" vô tội vạ. Mấy năm học vừa qua, TP HCM và Hà Nội (tuyển sinh năm học 2023 - 2024) chỉ lựa chọn ba môn Văn, Toán, Anh để thi vào lớp 10 THPT công lập. Vì vậy, ngay từ năm học lớp 8, nhiều học sinh và phụ huynh đã mong muốn tập trung ôn thi ba môn trên, dẫn đến tình trạng học sinh không chú trọng, giáo viên dạy qua loa. Như vậy, mục tiêu giáo dục toàn diện không còn hiệu quả.
Việc thi ba môn có thể không gây áp lực cho học sinh nhưng về lâu dài sẽ không tốt. Tôi rất ủng hộ, đồng tình với phương án "học gì thi nấy" mà một số tỉnh đang áp dụng. Tức là đề thi bao gồm tất cả các kiến thức học sinh đã được học. Một số trường Đại học cũng đã có kỳ thi đánh giá năng lực học sinh với lượng kiến thức phổ rộng ở tất cả các môn, việc làm này đáng nhân rộng.
Tuy nhiên, để tránh gây áp lực cho học sinh và phụ huynh, điều quan trọng là phải định hướng, quy định cấu trúc đề thi phải toàn diện, bao gồm cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, xã hội, quốc phòng, an ninh..., bên cạnh kiến thức của các bộ môn khoa học. Như vậy mới đạt kỳ vọng "học đi đôi với hành".
Đề thi ra kiến thức rộng nhưng nhẹ nhàng, vừa phải, không thách đố học sinh. Làm được điều này, học sinh thay vì lướt mạng chơi game, thay vào đó là đọc tin tức, tìm hiểu kinh tế, chính trị... trên thế giới, khu vực và trong nước, qua đó nâng tầm hiểu biết tri thức. Thông qua đó, giáo dục được trách nhiệm của công dân đối với xã hội và đất nước.
5. Những tiêu cực còn tồn tại
Hiện nay, cả nước có kỳ thi tốt nghiệp THPT chung, giao cho Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố tổ chức coi thi, chấm thi. Phương án này trong thực tế cho thấy sự tối ưu của nó, tuy nhiên, nếu Bộ không giám sát tốt sẽ tiếp tục có những tiêu cực trong thi cử.
Điều mà các thầy, cô trên cả nước đều nhìn thấy rất rõ, đó là bài thi của học sinh tỉnh, thành nào đang do chính Hội đồng tỉnh, thành đó coi, dọc phách và chấm thi. Còn khâu chấm thi cũng cần tập trung tối ưu hơn.
Đối với các kỳ thi Học sinh giỏi các cấp, thi vào lớp 10 công lập ở các tỉnh, thành: Hiện nay Bộ GD&ĐT chưa có quy định chặt chẽ khâu ra đề để hạn chế thấp nhất việc để lọt, lộ đề thi ở các kỳ thi. Qua mấy vụ để lọt, lộ đề thi mấy năm qua cho thấy, khâu quản lý đề, người có trách nhiệm trong việc chỉ đạo Hội đồng thẩm định đề chưa đảm bảo các khâu mặc dù "đúng quy trình". Đối với đề thi tự luận, tại sao vẫn có tình trạng học sinh và dư luận có thể đoán được đề năm nay là gì bằng việc loại bỏ những nội dung đề đã ra của những năm học trước? Như vậy có thể thấy việc ra đề đang phụ thuộc vào ý chủ quan của người chịu trách nhiệm trong Hội đồng đề hoặc là các thành viên trong Hội đồng đề.
Tôi thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần bổ sung các bước vào Quy trình ra đề thi thống nhất trong toàn ngành, nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong khâu ra đề. Ví dụ, đối với đề thi trắc nghiệm, đòi hỏi Bộ GD&ĐT phải quản lý ngân hàng đề một cách bảo mật, không ai có quyền chia sẻ ngân hàng đề. Khi ra đề, Chủ tịch Hội đồng ra đề cho phép bốc thăm ngẫu nhiên trong ngân hàng đề khoảng 10-15 đề, sau đó Hội đồng ra đề chịu trách nhiệm biên soạn thành đề chính thức.
Đối với đề tự luận; thông thường giới hạn của các môn cũng chỉ có khoảng mấy chục bài, Chủ tịch Hội đồng ra đề cho bốc thăm ngẫu nhiên khoảng 5 bài trong số các bài đó, sau đó Hội đồng ra đề thống nhất làm đề thi trên cơ sở 5 bài đã được bốc thăm. Như vậy, sẽ có tình huống xảy ra, nội dung vừa ra trong đề năm học trước sẽ tiếp tục có mặt trong đề của năm nay, đó là lẽ dĩ nhiên, vì bốc thăm ngẫu nhiên.
Nếu làm được quy trình như vậy, sẽ đảm bảo các thành viên trong Hội đồng ra đề cũng không biết được sẽ bốc thăm vào những bài nào, tránh tình trạng họ là những chuyên viên Phòng, Sở GD&ĐT, thầy cô trước đó là những người mở lớp ôn thi cho học sinh. Năm nào họ cũng uy tín được chọn lựa là người ra đề hoặc chấm thi, nhiều nơi họ dùng từ "ê-kip", tức là thường xuyên gặp nhau với những gương mặt thân quen. Nếu họ thiếu trách nhiệm, thiếu công tâm, vì lợi nhuận thì quy trình bốc thăm ngẫu nhiên sẽ hạn chế rất nhiều ý chủ quan của họ, nhất là khi họ là những giáo viên đang ôn thi cho học sinh.
Quy trình chấm thi cũng vậy, nhất là đối với kỳ thi Học sinh giỏi các cấp, kỳ thi chuyên vào lớp 10 THPT, số lượng thí sinh tham gia ít nên cần số lượng rất ít giáo viên chấm thi. Nếu năm học nào, cũng vẫn đội ngũ giáo viên đó tham gia chấm thi thì tránh làm sao việc tiêu cực không xảy ra; gây thiệt thòi cho học sinh?
Đối với các kỳ kiểm tra định kỳ, học kỳ I, học kỳ II và cả năm, một số tỉnh đã làm rất tốt việc ra đề chung toàn tỉnh, hoặc chung toàn huyện. Việc làm này vừa giúp giáo viên đỡ vất vả khâu ra đề, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục. Cụ thể, nó sẽ hạn chế mức thấp nhất việc giáo viên trường nào ra đề trường đó, mới dẫn đến việc ép học sinh đi học thêm, trù dập học sinh nếu không đi học thêm lớp học do thầy, cô mở. Nếu ra đề chung, giáo viên buộc phải nỗ lực hết mình để truyền tải kiến thức cho học sinh, như vậy cơ quan quản lý mới đánh giá được khách quan kết quả, chất lượng giáo dục hàng năm của từng trường; đồng thời sẽ triệt tiêu được tình trạng "dạy thêm, học thêm" tràn lan.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.