Tôi có nhiều suy nghĩ và băn khoăn về cơ chế giáo dục cho cấp THPT hiện tại. Bản thân tôi là một giáo viên, dạy các em học sinh khối 12 nên hiểu rõ về thái độ, tinh thần học tập của các em. Trường tôi là một trường không nổi tiếng trên địa bàn TP HCM. Học sinh tôi dạy là đối tượng trung bình khá.
Nghĩ lại trước đây, thế hệ 7X của chúng tôi và các thế hệ lân cận, khi vào lớp 10, ai cũng đều bắt đầu phải lo tính đến việc thi Đại học ngành nào, chọn môn gì để thi vào ngành đó...? Đến năm lớp 12 thì tất cả đều phải học cật lực để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất. Cuối năm 12, chúng tôi dự hai kỳ thi quyết định: một kì là thi tốt nghiệp, và sau đó hơn một tháng là thi vào Đại học.
Tất nhiên, những kỳ thi này rất cạnh tranh, tỷ lệ chọi có trường cao, trường thấp, nên học sinh thường rất cố gắng để học và tập trung tối đa cho các kỳ thi cuối cấp. Đa phần học để đậu tốt nghiệp trước, rồi sau đó mới đến Đại học. Thường thì học sinh tự học, tự ý thức là phải học, không cần thầy cô hay cha mẹ thúc ép. Đơn giản vì chúng tôi biết mình không được phép chểnh mảng.
Đến khi tôi làm giáo viên, tiếp xúc với những thế hệ học sinh mới sau này, tôi nhận thấy một điều rằng dù các em cũng cố gắng học như những thế hệ trước đó nhưng mức độ đã không bằng. Mỗi năm thi tốt nghiệp hay Đại học, có em đậu, cũng có những em không may mắn nên rớt. Những em không may mắn có thể nỗ lực tiếp để thi lại năm sau, hoặc có nhiều lựa chọn khác thay thế ngoài vào Đại học.
>> Những điểm 10 học bạ rỗng tuếch
Kể từ thi Bộ Giáo dục & Đào tạo áp dụng cộng điểm trung bình của năm học lớp 12 vào điểm thi tốt nghiệp để tính tổng điểm đạt tốt nghiệp, dường như ý thức phấn đấu của các em lớp 12 đã không còn như trước. Lý do duy nhất là tâm lý "kiểu gì cũng đậu". Vì sao như vậy? Bởi điều đơn giản nhất ai cũng biết là điểm trung bình năm học lớp 12 của các em học sinh rất cao, có những em gần như 10 phẩy, còn chuyên trên 8.0 là vô số.
Như vậy, khi đi thi, các em chỉ cần thi có kết quả 1, hoặc 2, hoặc 3 điểm là đậu tốt nghiệp. Vậy phấn đấu học để làm gì cho mệt sức? Còn vào Đại học thì nhiều trường chọn hình thức xét điểm học bạ, trong khi điểm học bạ đa phần quá đẹp rồi. Vậy có phải bệnh thành tích đang được khuyến khích?
Cá nhân tôi nhận thấy, lẽ ra kỳ thi Tốt nghiệp THPT và kỳ thi Đại học nên mang tính khích lệ tinh thần phấn đấu, nỗ lực thực chất cho những công dân chuẩn bị ra đời, thay vì đơn giản hóa theo kiểu phổ cập đại trà, cả làng cùng vui. Đã thi thì phải có đậu, có rớt, còn thi mà cầm chắc phần thắng rồi thì đâu cần tổ chức nữa cho tốn kém. Ít nhất, kỳ thi tuyển sinh vào 10 tôi còn thấy còn có ý nghĩa hơn thi tốt nghiệp THPT và Đại học.
Tôi cho rằng, quy chế cộng điểm trung bình của năm học 12 không đem lại giá trị. Điểm này chỉ để công nhận các em đã hoàn thành chương trình phổ thông, còn học sinh phải dự thi Tốt nghiệp THPT bằng thực lực và ai đủ điểm đậu mới được công nhận đã tốt nghiệp và đủ điều kiện tiếp tục bước đường vào Đại học.
Trên đây là những trăn trở của một người gắn bó nhiều năm trong ngành giáo dục. Tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của quý độc giả cũng như những người đứng đầu ngành Giáo dục để tìm ra một hướng đi phù hợp nhất, đảm bảo công bằng cho hoạt động thi cử.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.