Đọc bài viết "Những giáo viên về hưu bị lãng quên", tôi nghĩ đơn giản giáo viên cũng là một nghề như bao nghề khác. Mà nghề nào cũng có người tâm huyết, có người hời hợt. Ai làm nghề gì đúng pháp luật mà tâm huyết với nó cũng cần được tôn vinh cả. Giáo viên cứ phải đặt mình lên trên xã hội rồi cuối cùng xã hội quay lại yêu cầu giáo viên phải thế này thế kia, phải hơn nghề này nghề nọ về đạo đức chuyên môn. Cuối cùng giáo viên lại thấy áp lực về những tiêu chuẩn đó.
Việt Nam có truyền thống "tôn sư trọng đạo" do yếu tố lịch sử. Ngày xưa, khi mà số người biết chữ trong làng chỉ trên đầu ngón tay, số người đi dạy học được lại càng hiếm, nên người thầy thời ấy là những cá nhân tương đối kiệt xuất trong cộng đồng.
Ngày nay, giáo viên "phổ cập", chiếm tới 70% viên chức, công chức của cả nước (chưa tính giáo viên khối tư thục). Có những thời điểm "chuột chui cùng sào mới vào Sư phạm". Với lực lượng đông đảo và nhiều lúc chất lượng đầu vào quá thấp như vậy, dẫn tới rất nhiều thầy cô hiện nay có chất lượng chuyên môn và đạo đức không đủ để đứng lớp. Và nhiều giáo viên có những hành động kém chuẩn dần dần khiến xã hội ít coi trọng nghề giáo nói chung.
Nếu nói về chuyện trả lương cho giáo viên quá thấp thì hãy nhìn sang khối ngoài công lập, nơi mà lương của giáo viên là do thị trường quyết định, thị trường đánh giá cao hay không thì trả lương tương xứng. Thực tế, chi phí cho giáo dục trong mỗi gia đình Việt Nam là khoản lớn nhất sau ăn uống sinh hoạt tối thiểu. Điều đó chứng tỏ thị trường không hề xem nhẹ giáo dục. Nếu giáo viên khối ngoài công lập thu nhập thấp, đó là do năng lực của họ, vì nhiều người dạy học vẫn có thu nhập rất cao.
Còn giáo viên công lập kêu ca lương thấp (do quy định của nhà nước), vậy xin hỏi trong khối công lập, nghề nào lương cao hơn giáo viên? Ngành nghề nào cũng có cái khó nhọc riêng cả, không có công việc nào là dễ dàng, là không áp lực. Đi làm cũng hiếm ai chỉ làm toàn bộ công việc chuyên môn, chính vì vậy ngoài chuyên môn thì kỹ năng mềm ngày càng được đánh giá cao là vậy. Giáo viên mà kỹ năng mềm kém thì thử hỏi sao dạy được học sinh ra đời? Dạy toàn chữ và công thức thì sao ra làm được việc? Thế thì sao đòi hỏi lương cao?
Kinh phí cho giáo dục từ ngân sách nhà nước hay kể cả phụ huynh dành cho con em nếu nói thấp (so với thu nhập và tình hình kinh tế) thì không ở đâu trên thế giới cao cả. Cái chính là chúng ta mải chạy theo thành tích, kỳ vọng quá lớn vào giáo dục (học chữ) mà ra cơ sự.
Không có công việc nào gọi là việc nhẹ lương cao cả. Nếu nói lương giáo viên không xứng với công sức của họ, vậy trong khối công lập thì ngành nào có thu nhập xứng với công sức hơn giáo viên? Còn muốn sòng phẳng thì cứ so sánh lương ngoài khối tư nhân ấy, coi ngành nào lương cao hơn? Nó cao hơn có hợp lý không vì bên ngoài cạnh tranh công bằng đó.
>> Giáo viên như tôi được thưởng Tết chục triệu đồng
Người Việt thuộc top đầu thế giới về quan tâm và đầu tư cho giáo dục, chính vì vậy cơ chế thị trường rất cần những giáo viên giỏi, nên cơ hội tăng thu nhập của giáo viên giỏi không thiếu. Nhưng nó không đồng nghĩa với việc cứ là giáo viên sẽ có lương cao. Vì với trình độ tầm tầm thì rất nhiều người có thể làm được (mức độ khó thấp) nên tính cạnh tranh cao do nhiều người đáp ứng được khiến "giá thành giảm". Bạn chỉ có thu nhập cao khi công việc bạn làm ít người làm được mà thôi, đó là cơ chế thị trường.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.